Với không gian xanh mát, yên bình cùng với lối kiến trúc cổ điển, đậm nét truyền thống, Bảo tàng Áo dài không chỉ là không gian trưng bày, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt mà còn là địa điểm du lịch lý tưởng của du khách.
Bảo tàng áo dài nhìn từ trên cao. Ảnh: Bảo tàng Áo dài
Bảo tàng Áo dài ra đời vào năm 2014. Đây là tâm huyết của họa sĩ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng với mục đích để quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống của người Việt. Đây cũng là bảo tàng áo dài duy nhất tại Việt Nam chuyên trưng bày áo dài. Khác hẳn với những bảo tàng ở trung tâm TP.HCM, Bảo tàng Áo dài mang một dáng dấp đặc biệt với không gian ngập tràn cây xanh, hoa lá, ríu rít tiếng chim, kết hợp với lối kiến trúc cổ điển đậm nét truyền thống của người Việt Nam.
Bước vào bảo tàng, du khách có cảm giác như đang được du lịch qua hết các miền quê từ Bắc vào Nam với những nếp nhà, ao chuôm, vườn cây trái hài hòa, xanh mát. Từ những ngôi nhà gỗ lợp mái âm dương ẩn mình dưới bóng cây xanh mát cho tới những ngôi nhà rường đặc trưng xứ Huế, nhà cổ phong cách Hội An cho đến những ngôi nhà lợp bằng lá dừa đậm chất miền Tây sông nước.
Bà Huỳnh Ngọc Vân (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Bảo tàng Áo dài, chụp ảnh cùng du khách
Giới thiệu về bảo tàng, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cho biết Bảo tàng trưng bày rất nhiều bộ sưu tập áo dài, đa dạng từ truyền thống đến cách tân hiện đại đến áo dài hiện đại. Đặc biệt hơn, nơi đây cũng là kho lưu giữ những bộ áo dài được nhà thiết kế Sỹ Hoàng đích thân thiết kế trong các cuộc thi hoa hậu hoặc các người đẹp mang tinh hoa áo dài Việt Nam đến các cuộc thi hoa hậu quốc tế gửi tặng lại.
“Bảo tàng áo dài không chỉ hướng đến mục tiêu văn hóa mà còn hướng đến giáo dục cho các em học sinh, sinh viên về tình yêu quê hương đất nước, gia đình, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và rèn luyện óc sáng tạo. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần hay các dịp lễ bảo tàng đều tổ chức chuyên đề, tổ chức chợ quê để giới thiệu nét đẹp văn hóa của người Việt để mọi người tìm về thưởng thức”, bà Vân chia sẻ.
Khuôn viên đẹp ở Bảo tàng là nơi ưa thích của rất nhiều tín đồ mê chụp ảnh. Ảnh: Tí Khuẩn
Bên cạnh đó, bảo tàng giới thiệu về những chiếc áo dài Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Mỗi chiếc áo dài là một câu chuyện phía sau đầy ý nghĩa. Những câu chuyện lịch sử được khéo léo lồng vào giúp người xem có cái nhìn khái quát về lịch sử phát triển của chiếc áo dài qua các giai đoạn.
Tại bảo tàng những chiếc áo dài được trưng bày theo trình tự phát triển thời gian: chiếc áo dài tứ thân thế kỷ XVII, áo dài năm thân thế kỷ XVIII, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ XIX... Bảo tàng Áo dài cũng trưng bày những chiếc áo gắn liền với nhiều danh nhân tại Việt Nam. Được biết, số áo này được chính tay chủ nhân gửi tặng đến bảo tàng để giới thiệu đến du khách.
Ngoài áo dài, nhiều biểu tượng truyền thống khác của người Việt cũng được trưng bày và phục dựng tại bảo tàng như nón lá, guốc mộc, khăn đóng... tạo sự thích thú cho du khách, đặc biệt những vị khách quốc tế.
Ảnh: 1992 Leo Wedding
Bảo tàng áo dài đem đến cho mọi người một cảm giác khác hẳn với không khí ngột ngạt của thành thị. Ở đây người ta không chỉ được nhìn ngắm những bộ áo dài đẹp, tìm hiểu về những giá trị văn hóa mà còn có thời gian để hít thở một bầu không khí trong lành, thoải mái để cân bằng trong cuộc sống.
Chợ quê cuối tuần tại Bảo tàng Áo Dài
Cách xa trung tâm thành phố, nhưng bảo tàng cũng nhận được sự quan tâm, thu hút khách là người nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết, hiện bảo tàng đã đủ điều kiện và sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại. “Chúng tôi đã rèn luyện cho hướng dẫn viên thuyết minh bằng tiếng Anh. Những dịch vụ tại bảo tàng như cho khách thuê cổ phục chụp ảnh, không gian ẩm thực chợ quê, dịch vụ ăn uống... đã làm thành công với khách nội địa thì cũng sẽ triển khai với khách quốc tế. Chúng tôi muốn cung cấp thông tin cho khách quốc tế, bổ sung, tìm hiểu và chuyển ngữ nhiều nội dung phong phú hơn để hướng dẫn cho khách", bà Vân chia sẻ.
Cũng theo bà Vân, sau dịch Covid-19 tâm lý của người đi du lịch có nhiều thay đổi. Vì vậy đây là thời điểm rất thích hợp để tổ chức các trải nghiệm chữa lành tâm hồn, chẳng hạn đờn cả tài tử, văn nghệ truyền thống, giúp du khách vừa được thưởng thức nghệ thuật, vừa được trực tiếp tham gia, tìm hiểu văn hóa.
“Tôi từng thử nghiệm trải nghiệm này với du khách quốc tế, một người hát thì phải 7, 8 người trong đoàn hưởng ứng. Khi dịch lời bài hát qua ngôn ngữ của khách, họ thấy rất thích vì được tìm hiểu văn hóa mới lạ, biết được Việt Nam cũng có văn nghệ truyền thống độc đáo. Ngoài ra, chúng ta có thể tổ chức tour cho lực lượng y tế, xoa dịu tâm hồn của họ sau ngày tháng chống chọi với bệnh dịch ở tuyến đầu. Tôi nghĩ, trong cái khó mới có cái thuận lợi”, bà Vân nói.