Ghé nơi gần 15 năm không sử dụng túi ni lông

16/06/2024 11:28

Xã Tân Hiệp - TP Hội An tại đảo Cù Lao Chàm, là nơi được chọn “nổ phát súng” cho việc toàn đảo không sử dụng túi ni lông. Ngày 23/5/2009, Hội An phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” và Cù Lao Chàm đã trở thành nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện việc kiểm soát loại túi này.

Gần 15 năm Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông và ống hút nhựa.

Lúc đó báo chí đưa tin, sau một thời gian dài chính quyền vận động bà con không sử dụng túi ni lông để mua bán thực phẩm; cấp giỏ nhựa đi chợ cho 600 hộ trên đảo; một buổi sáng khi bắt đầu họp chợ, người ta thấy ông Nguyễn Sự - Bí thư thành phố đứng ngay cổng chợ. Ai đi mua - bán có túi ni lông, ông đuổi thẳng!

Tiếp sau đó nữa, chính quyền khuyến khích và đề nghị bà con, doanh nghiệp không sử dụng ống hút bằng nhựa, mà thay thứ khác thân thiện môi trường như ống tre, ống giấy, ống inox, ống gạo.

Cũng nhớ lúc đó, thiên hạ bình luận: Nghi quá, đố mà làm được, cả nước dùng túi ni lông, Hội An đừng bày đặt chơi trội! Để coi.

Trước cầu cảng, gần sát cổng chợ, có quán nước mía và dừa. Một chị chủ quán nói: “Lợi thì thấy rõ, đảo sạch sẽ không có ni lông, đồ xốp trôi nổi; nhiều thùng rác để phân loại. Nhưng khó khăn không phải không có. Tôi bán nước mía, trước đây nếu mua ly nhựa 50 cái là 20 ngàn, đổi qua ly giấy là 55 ngàn; ống hút nhựa 1 bao là 23 ngàn, thì ống giấy, ống gạo là 140 ngàn. Nhưng đâu có nâng giá tùy tiện được, khách đã ít mà bán rứa, ai mua?”.

Khách chuẩn bị xuống tàu sớm vào đất liền, mua rau, lá thuốc để nấu nước, đựng trong bao tự hủy. Nhiều người mua bánh ít, tôi thấy người bán đưa ra bao giấy để đựng. Khi họ lên tàu ra đảo, nhân viên ngay cảng Cửa Đại lẫn trên tàu đều dặn du khách đừng mang túi ni lông. Ai lỡ mang thì được thay túi lưới và ni lông bỏ vào thùng rác ở cầu cảng Cù Lao Chàm.

Tôi vào chợ. Sáng sớm ít khách. Ông Huỳnh Công ở thôn Bãi Làng đi mua ít cá lưới sớm, tòn teng một túi nhựa tự phân hủy. “Cái thứ túi ni đem chôn, cỡ 3 ngày tự mục, còn không để thời gian tự nát”, ông nói. “Hỏi thiệt bác, gần 15 năm không dùng túi ni lông, có bất tiện, khó khăn gì cho bà con không?”, tôi hỏi. “Lúc đầu không quen, nhưng nhà nước vận động, rồi ở đây ni lông làm san hô biển chết, cá ăn ni lông cũng chết, thôi mình chấp hành. Không có ni lông thì dùng lá, giấy, túi tự hủy, chừ thấy bình thường. Cũng nói thiệt là không phải ai cũng chấp hành triệt để, nhưng đó là số ít”.

Chợ Tân Hiệp tại Cù Lao Chàm.

Chị Nguyễn Thị Nga đang bán hàng rau quả cho khách: “Người mua dùng bao tự hủy” - chị nói - “Đây, anh này dựng bao tự hủy đây, mua - bán đều như rứa, chừ có muốn bao ni lông cũng không có và không được. Mua 10 ngàn/kg giấy, thêm một đinh ghim 55 ngàn, về bấm thành bao đựng. Túi lưới tự hủy giá 85 ngàn/hộp, trong khi một kg ni lông chỉ 22 ngàn. Nhưng tụi em không thể tính hao phí vào giá thành được”.

Bà Nghĩa, một người bán thịt heo, nói: “Bán thịt mà dùng gói giấy, đi đường sẽ thấm rách, rớt ra, ban đầu thấy khó quá, tôi lấy lá gói cho khách, rồi mua túi nhựa. Ở đây bà con đi mua thịt thì mang giỏ nhựa. Họ ăn mì Quảng mua về còn được nữa là, thì mang tô, xách cà mèn tới mua”.

Thay đổi thói quen đâu có dễ. Năm 2010, xã thành lập đội kiểm tra liên ngành chuyên giám sát vi phạm sử dụng túi ni lông. Khẩu hiệu để phong trào ngày càng đi vào quy chuẩn là “Vì một xã đảo xanh - sạch - đẹp”. Cùng với chính quyền, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã có nhiều hoạt động trực quan, khiến bà con và du khách không thể… ngó lơ, đó là trưng bày mô hình rùa biển tái chế từ các loại rác thải thường gặp trên biển như dây thừng, lưới cũ tại Bãi Ông - Cù Lao Chàm với thông điệp “Hãy đồng hành cùng Cù Lao Chàm nói không với túi nilon, ống hút và các sản phẩm nhựa dùng một lần ngay từ giây phút này!”.

Đại diện Unesco phát túi thân thiện cho người dân xã Tân Hiệp - Cù Lao Chàm.

Chuyện thì dài, từ một nơi rác thải nhựa đủ loại bao quanh, không chỉ khiến người trên bờ ngạt thở, mà rạn san hô cũng chết theo, thế nhưng đến tháng 8/2022, một cuộc ra quân của BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm để dọn vệ sinh đáy biển, thu gom lưới, túi ni lông dính vào rạn san hô, bảo vệ sự đa dạng sinh học bằng phương pháp giám sát rác thải nhựa trên biển và trên vùng biển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, họ chỉ tìm thấy 4,5kg ni lông dưới rạn san hô!

Vẫn là câu hỏi, mà gần 15 năm trước thiên hạ hoài nghi, nay thì đã… sáng mắt ra, là tại sao Cù Lao Chàm làm được? Và tại sao chỉ có nơi này, còn ở các khu vực khác của Hội An hay nhìn rộng cả nước “hát mãi vẫn không thành câu?”. Ông Nguyễn Thế Hùng - PCT thường trực UBND TP Hội An nói: “Thay đổi thói quen là điều không dễ, nhưng không thể khác, bởi đó là xu thế riết róng của thế giới. Ai cũng biết tác hại của túi ni lông, nhưng áp dụng ở Cù Lao Chàm là chấp nhận thách thức, bởi nếu làm không đúng thì nhìn nhận từ bên ngoài sẽ không tốt về hình ảnh đảo du lịch này, chưa nói đây là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, cực kỳ nhạy cảm nếu môi trường bị ô nhiễm”.

Nói thì dễ, mà thành ra cũng… không khó. “Dân Cù Lao Chàm là thuần nhất Hội An đó - ông Hùng nói - đa số bà con đồng lòng thực hiện. Ngày xưa ông bà đi chợ, có túi ni lông đâu, cắp cái rổ đi, thì loanh quanh ở đảo xách giỏ nhựa, cà mèn đi chợ ra quán đâu có khó! Cù Lao Chàm ở nơi cửa sông Thu Bồn, lại nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, thêm khách du lịch, nằm trong lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, rác quá trời. Chủ trương này gần 15 năm qua, cho thấy rằng chúng tôi đã làm đúng. Lý do chính khiến dân đồng thuận khi họ thấy rằng chính sự sạch sẽ đã khiến khách tò mò ra thăm, họ có thu nhập khi buôn bán, làm dịch vụ du lịch, hình ảnh họ trở nên đẹp trong mắt người khác. Làm du lịch ở đây, lời chưa dám nói, chứ lỗ là không!”.

Nhưng, một chị bán rau ở ngay cầu cảng nói: “Chính quyền muốn tốt hơn, là cấm tiệt dùng túi ni lông ở đất liền. Tụi tôi giữ nhưng khách mang ra xả, dù có bỏ vào thùng rác, cũng tốn tiền tàu chở vô đất liền tiêu hủy”.

Luật không cấm họ xài túi ni lông, nhưng họ chấp nhận, đủ thấy họ nhận thức tốt khi quyền lợi đưa tới tốt hơn, nhưng vẫn treo đó một giải pháp thay thế, bởi lá cây và giấy, nhất là giấy báo luôn là cơn khát của người ở đây, ai từ đất liền đem giấy ra cho để đóng gói, là họ mừng xiết bao.

“Rất khó tìm ra giải pháp thay thế tối ưu - ông Hùng nói - đây là điểm nghẽn của chính sách tại Việt Nam. Châu Âu, nếu anh mua một chai nước mà uống tại chỗ, thì tiền ít hơn mua mang đi, bởi họ đánh vào kinh tế, tăng thuế cao với các cơ sở chế biến nhựa. Luật họ chặt, nhận thức dân họ cao. Chúng ta khó, chỉ riêng việc tái chế ni lông đã không dễ làm rồi, nói gì thứ khác. Cấm ư? Vậy chính quyền lấy gì thay đồ dùng đó cho họ?”.

Dịch vụ lặn ngắm san hô ở Cù Lao Chàm làm tăng thu nhập cho bà con địa phương.

Vậy đó. Lòng dân thuận, khi và chỉ chi thực tế cho họ thấy không cách này thì tồn tại cách khác, có cơ sở để thay đổi khả thi và tác động tốt đến đời sống dài lâu của họ. Hô hào sẽ trở thành trò cười, phong trào lên tới đỉnh sẽ tụt dốc, nếu duy ý chí. Rẻo đất xa xôi nơi sóng nước này là chấm xanh đáng sống, khi người đang sống biết hy sinh thói quen, để dành và… khuyến mãi không gian trong lành cho mai hậu. Đó là ý người, mưu cầu và thành bại tại người chứ không phải trời.

Bài liên quan
  • Quảng Ninh tăng cường thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long
    Sau hơn 1 năm tiến hành các đợt thu gom và xử lý phao xốp trôi nổi trên vịnh Hạ Long, đã có khoảng 10.000 m3 rác thải được đưa vào bờ để xử lý. Việc duy trì thường xuyên hoạt động này nhằm giảm thiểu lượng rác thải và loại bỏ phao xốp mắc kẹt tại các chân đảo, bãi cát trên vịnh.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ghé nơi gần 15 năm không sử dụng túi ni lông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO