Bứt phá ranh giới sáng tạo, GenAI trở thành “cộng sự” trong kỷ nguyên số
GenAI - một nhánh con đầy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) - đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Khác biệt với các mô hình AI truyền thống tập trung vào phân tích và dự đoán dựa trên dữ liệu hiện có, GenAI sở hữu khả năng tự động tạo ra nội dung hoàn toàn mới, bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh, video và thậm chí là mã code. Sự ra đời của các công cụ GenAI tiên tiến như ChatGPT hay DALL-E 3 đã mở ra một kỷ nguyên sáng tạo mới đầy hứa hẹn bằng cách tạo ra các nội dung mang tính đột phá và chân thực đến bất ngờ.
Các tổ chức có thể sử dụng GenAI để tự động hóa các quy trình sản xuất nội dung, từ đó giảm thiểu chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cũng như mở ra những cơ hội mới. Đặc biệt, GenAI có thể cá nhân hóa nội dung theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả hơn với khách hàng tiềm năng và nâng cao tỷ lệ chuyển đổi.
Tái định hình tương lai của ngành bán lẻ thông minh
Một trong những ứng dụng nổi bật của GenAI trong bán lẻ là tự động hóa việc tạo nội dung quảng cáo, tiếp thị và hỗ trợ khách hàng. Thay vì phải tốn nhiều thời gian và nhân lực cho việc sản xuất hàng loạt nội dung mô tả sản phẩm, các nhà bán lẻ giờ đây có thể tạo ra chúng tự động với chất lượng cao chỉ trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, các chatbot và trợ lý ảo dựa trên GenAI có thể giao tiếp một cách tự nhiên như con người, cung cấp tư vấn sản phẩm và giải đáp thắc mắc sát sao nhất với nhu cầu của khách hàng, từ đó cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao mức độ hài lòng và thúc đẩy tỷ lệ quay lại mua hàng.
Hiện nay, các ông lớn dẫn đầu trong ngành bán lẻ và thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Walmart đều đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này để nâng cao thế mạnh cạnh tranh và gặt hái thành công trong thị trường đầy biến động. Ví dụ, Amazon đã phát triển một hệ thống thiết kế bao bì sản phẩm dựa trên AI, cho phép tạo ra vô số mẫu thiết kế bắt mắt theo yêu cầu, giúp người bán hàng tiết kiệm chi phí. Alibaba cũng sở hữu một công nghệ AI có thể thiết kế trang phục, phụ kiện thời trang độc đáo theo sở thích, phong cách của từng khách hàng chỉ trong vài giây.
GenAI - “Tảng băng trôi” với những tiềm năng và thách thức
Bên cạnh những lợi ích vượt trội, ứng dụng GenAI vào ngành bán lẻ cũng đòi hỏi sự kiểm soát và điều chỉnh chặt chẽ. Nội dung được tạo ra tự động cần được kiểm duyệt kỹ lưỡng để đảm bảo tính chính xác, phù hợp và không gây hiểu lầm hoặc vi phạm các quy định. Các nhà bán lẻ cũng cần chú trọng đầu tư vào hệ thống bảo mật và bảo vệ dữ liệu để ngăn chặn các rủi ro về quyền riêng tư và sở hữu trí tuệ.
Sự hợp tác giữa AI và con người cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sự thay đổi trong tương lai của thị trường lao động. Một mặt, GenAI giúp con người tự động hóa nhiều công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, giải phóng thời gian để tập trung vào những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy cao hơn. Mặt khác, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ thay thế một số vị trí việc làm, đặc biệt trong các ngành dựa nhiều vào khả năng nhận thức như dịch thuật, viết lách, lập trình. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo và người lao động phải chủ động đánh giá và có chiến lược để duy trì sự cân bằng trên thị trường lao động.
“Thay vì coi GenAI là một đối thủ cạnh tranh đe dọa việc làm, chúng ta nên nhìn người bạn này như một cộng sự đáng tin cậy. Công nghệ GenAI không chỉ giúp nâng cao năng suất và sáng tạo, mà còn mở ra vô vàn cơ hội, tạo ra những vị trí công việc mới và thúc đẩy sự phát triển trong những lĩnh vực mà chúng ta chưa từng nghĩ tới trước đây”, ông Đặng Tuấn Thành - Giám đốc Khối Điện toán Đa đám mây, CMC Telecom nhận định.
Phần chìm của “tảng băng trôi” GenAI dường như còn chưa đựng nhiều cơ hội cần được khai phóng. Thay vì lo sợ bị AI thay thế, chúng ta có thể chủ động tìm cách hợp tác, cộng hưởng và học hỏi để đạt được tiềm năng cao nhất. Tương lai nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh tính toán của AI với bản năng và sự thấu cảm của con người.
Thúy Ngà