Khi Israel mở các cuộc không kích nhằm vào khu phố Karama ở Gaza vào tối 10/10, nhân viên y tế Amir Ahmed và đội cứu thương của anh chạy băng qua những con phố với những tòa nhà bị phá hủy và lao về phía những đám khói đen cuồn cuộn trên các mái nhà.
Nhưng khi đến gần, các vụ nổ vẫn xảy ra và không ai có thể tiến lại gần hơn nữa, nhân viên y tế 32 tuổi này cho biết. Trong khi đó, đám đông người dân điên cuồng, một số đi chân đất, lao về phía họ, chạy trốn khỏi ngôi nhà vừa bị phá hủy.
Mặt đất rung chuyển sau mỗi đòn tấn công của máy bay chiến đấu Israel. "Mọi người đang khóc cho những đứa trẻ thiệt mạng dưới những đống đổ nát. Họ cầu xin chúng tôi lao vào và kéo con họ ra khỏi đống đổ nát - đây là tất cả những gì họ muốn, để chúng tôi đến và kéo con họ ra ngoài", anh Ahmed cho biết thêm.
Nhưng các lực lượng cứu hộ như anh đang gặp rất nhiều khó khăn, khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung thuốc men, thiết bị y tế và nguồn nhiên liệu cạn kiệt.
Các nhân viên y tế cho biết họ đang rất cần máy ủi để kéo thêm người ra khỏi các tòa nhà bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel trong bối cảnh mất điện trên diện rộng.
Tel Aviv phát động một làn sóng không kích vào Gaza sau khi các tay súng lực lượng Hamas mở chiến dịch tấn công phối hợp bất ngờ nhằm vào Israel hôm 7/10.
Các cuộc không kích, cuộc oanh tạc dữ dội nhằm vào các bệnh viện, trường học và nhà thờ Hồi giáo nhưng các quan chức Israel nói rằng, Hamas sử dụng các tòa nhà dân sự cho mục đích quân sự.
Các nhân viên cấp cứu của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết, các cuộc không kích biến Gaza thành một "cơn ác mộng". Lực lượng cứu hộ, nhân viên cấp cứu và bác sĩ đang nỗ lực tiếp cận và cứu những người bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel, khi nguồn điện hiện bị cắt, nguồn cung cấp nhiên liệu gần cạn và sự tấn công dữ dội từ trên không khiến việc di chuyển trở nên nguy hiểm.
Anh Ahmed cho biết, khi lực lượng của mình đến được nhiều tòa nhà bị phá hủy, họ chỉ tìm thấy thi thể. "Đôi khi chúng tôi không tìm được ai còn sống", anh nói.
Vào chiều 11/10, toàn bộ hệ thống điện ở Dải Gaza đã bị cúp sau khi nhà máy điện duy nhất ở đó đóng cửa, do Israel ra lệnh "bao vây toàn diện" Gaza và chặn tất cả điện, thực phẩm, nước và nhiên liệu vào vùng đất bị phong tỏa này.
Chính quyền Gaza đã cảnh báo, nếu không có điện hoặc nhiên liệu, các bệnh viện và dịch vụ cấp cứu ở dải đất này sẽ không thể hoạt động. Tiến sĩ Muhammad Abu Salima, Giám đốc bệnh viện Al-Shifa, khu phức hợp y tế lớn nhất Dải Gaza, cho biết chỉ có đủ nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho máy phát điện dự phòng trong tối đa 4 ngày nữa.
"Nếu không có điện, các bệnh viện của chúng tôi sẽ trở thành những ngôi mộ tập thể", tiến sĩ Salima nói. Ông cho biết thêm, hiện bệnh viện đã giới hạn mức tiêu thụ điện chỉ dành cho các dịch vụ thiết yếu.
Theo Bộ Y tế Gaza, hơn 2.200 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 5.100 người khác bị thương ở Gaza kể từ ngày 7/10. Điện ở Gaza chỉ có vài giờ mỗi ngày trước khi nhà máy điện đóng cửa. Và khi mặt trời lặn, khu vực này hầu như chìm trong bóng tối khi các cuộc không kích tiếp tục diễn ra.
Qua đêm 10/10, các nhân viên cứu hộ ở một số khu vực lân cận đã phải vật lộn để đào người ra khỏi đống đổ nát của những khối bê tông đổ nát và kim loại bị xoắn. Họ làm việc bằng hệ thống chiếu sáng bởi đèn pha, đèn pin và điện thoại di động, theo các video từ hiện trường.
Ông Naseem Hassan, 47 tuổi, từng là tài xế xe cứu thương ở Gaza trong 25 năm, cho biết bản thân chưa bao giờ trải qua điều gì giống như cuộc chiến này.
"Khi đến những nơi bị ảnh hưởng, chúng tôi chỉ đưa những người bị thương và thiệt mạng ở bên ngoài các tòa nhà chứ không thể đào bới những người bị thương và thi thể dưới đống đổ nát", ông nói. "Chúng tôi cần máy ủi và thiết bị hạng nặng nhưng hiện không có những thứ đó".
"Gaza đang dần bị xóa khỏi bản đồ"
Gaza, một vùng đất nhỏ đông dân cư với hơn 2 triệu người, đã phải sống dưới sự phong tỏa nghiêm ngặt do Israel áp đặt trong 16 năm. Chính quyền Gaza từ lâu cho rằng lệnh phong tỏa, cũng do Ai Cập thực thi, đã ngăn cản các thiết bị như xe cứu hỏa, xe cứu thương và thang đi vào lãnh thổ, cản trở nỗ lực cứu hộ.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã lên án vụ tấn công của Hamas hôm 7/10 nhưng cảnh báo rằng, cuộc bao vây do Israel áp đặt đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế và sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo "vốn đã thảm khốc" ở Gaza.
Nhiều lần, ông Ahmed và các đội cứu thương khác đã cố gắng tiếp cận những khu vực đã bị tấn công nhưng lại hứng chịu các cuộc không kích và buộc họ phải quay trở lại. Ahmed cho biết, 4 đồng nghiệp của anh đã thiệt mạng trong các cuộc không kích nhằm vào xe cứu thương của họ, theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ. "Không có sự phân biệt giữa các mục tiêu. Bản thân các nhân viên y tế cũng là mục tiêu", anh nói.
Liên hợp quốc cho biết kể từ hôm 7/10, ít nhất 9 xe cứu thương đã bị tấn công ở Gaza và 13 vụ tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã được báo cáo. Bộ Y tế Gaza cáo buộc Israel nhắm mục tiêu có hệ thống vào xe cứu thương.
"Một số lượng lớn người đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát cho đến thời điểm này", Mahmoud Basal, phát ngôn viên của Cơ quan phòng vệ dân sự Palestine ở Gaza, cơ quan quản lý dịch vụ khẩn cấp, cho biết. "Nhân viên cứu hộ không thể tiếp cận họ vì thiếu thiết bị".
Lực lượng cứu hộ cũng cho biết họ không thể chạy theo kịp tốc độ của các cuộc không kích và sự tàn phá của chúng. Họ cho biết, không giống như trong các cuộc xung đột trước đây, khi các cuộc không kích của Israel nhắm vào các tòa nhà đơn lẻ thì hiện nay toàn bộ các khu nhà hiện đang bị san phẳng.
Các chỉ huy quân sự Israel cho biết có "sự thay đổi về mô hình" trong các cuộc không kích của họ nhằm vào Gaza. "Chúng tôi cần sử dụng ngôn ngữ và thuật ngữ khác nhau liên quan đến các hoạt động tấn công ở Gaza", Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel, cho biết trong một cuộc họp ngắn hôm 10/10.
Quân đội Israel cảnh báo người dân Gaza rời khỏi các khu vực, trong một số trường hợp là toàn bộ quận hoặc thị trấn, mà họ nhắm tới.
Nhưng người Gaza không có nơi nào để đi. Dải đất này không có hầm tránh bom và những người đã đến nhà người thân ở các khu vực khác thường phát hiện ra rằng, họ cũng đang chạy trốn. Hơn 260.000 người đã phải di dời trong lãnh thổ, nhiều người trong số họ phải trú ẩn trong các trường học và bệnh viện.
Ngay cả những người đó cũng không tránh khỏi các cuộc không kích. "Toàn bộ Gaza đang dần bị xóa khỏi bản đồ", ông Basal nói.