Gặp lại nữ tự vệ Hà Nội từng chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo

16/12/2022 11:44

Cô gái tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động mất cả cha mẹ vì bom đạn, chít khăn tang, dồn căm thù giặc lên đầu nòng pháo trong trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 1972.

Gặp lại nữ tự vệ Hà Nội từng chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo - 1

̀50 năm, chuyện nữ tự vệ Hà Nội chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo anh hùng vẫn vẹn nguyên.

"...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/Hỡi em gái mất cha mất mẹ/Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…", những câu thơ được trích từ bài thơ "Việt Nam máu và hoa" của nhà thơ Tố Hữu gắn liền với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 50 năm về trước.

Cô gái được nhắc đến trong câu thơ trên là bà Phạm Thị Viễn, một trong những pháo thủ của Nhà máy cơ khí Mai Ðộng đã từng hạ gục chiếc máy bay F.111A "cánh cụp, cánh xòe" vào đêm ngày 22-12-1972.

50 năm sau những ngày lịch sử ấy, tôi tình cờ gặp lại bà tại Bảo tàng Chiến thắng B52 sáng nay, khi bà đang ríu rít kể chuyện cho các em học sinh. Nữ tự vệ năm nào nay đã 70 tuổi. Dấu ấn tuổi tác chỉ có thể làm tóc bà bạc thêm, đôi chân nặng thêm nhưng ánh mắt vẫn vẹn nguyên từ bức ảnh lịch sử cô gái chít chiếc khăn tang bên mâm pháo cao xạ năm nào.

Nữ tự vệ 16 tuổi đã mất mẹ vì bom bi

Ký ức của bà Viễn mãi không bao giờ phai mờ. "Những ngày tháng địch đánh phá Hà Nội, bom đạn đã cướp đi cả bố mẹ tôi…", bà Viễn rưng rưng nhớ lại, hai tay nắm chặt.

Bà Viễn sinh năm 1951 trong một gia đình đã nghèo lại đông con ở làng Tương Mai (nay là phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt cũng là thời điểm phong trào "Ba đảm đang" do Hội LHPN Việt Nam lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ. Năm đó, bà Viễn mới là thiếu nữ 16 tuổi, nhưng với khát khao được cống hiến, đóng góp công sức nhỏ bé của mình, bà đã khai tăng thêm một tuổi cho đủ 17 để được vào làm công nhân tại Nhà máy Cơ khí Mai Động.

Năm 1967, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, một đợt bom bi rải xuống Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân Thủ đô. Hôm đó, cô công nhân nhỏ tuổi Phạm Thị Viễn đang đi làm nhà giúp bạn làm cùng tổ bị mảnh bom sượt qua cổ. Khi đang nằm điều trị vết thương do mảnh bom bi gây ra tại Bệnh viện K, cô gái 16 tuổi Phạm Thị Viễn nhận được tin mẹ mất cũng do trận bom oan nghiệt ấy. Cô Viễn chạy một mạch ra bờ hồ Hoàn Kiếm và bắt tàu điện trở về nhà.

Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng vừa bước vào nhà, quang cảnh vắng lặng, không thấy mẹ đâu, bố bà vội ôm chặt bà và dẫn bà ra khu đất mới đắp sau nhà: "Mẹ mất rồi Viễn ạ!". Đôi hàng lệ cứ thế lăn dài trên gò má, mẹ của chị đã bị trúng bom bi trong lúc nhường hầm trú ẩn cho hai cháu bé gần nhà…

"Mẹ tôi trên đường đi bán rau, dù có nghe thấy còi báo động máy bay Mỹ nhưng vì gấp gáp, mẹ tôi nhường hầm trú ẩn cho mấy cháu nhỏ nên đã trúng bom. Hàng ngày, đầu chít khăn tang, tôi lặng lẽ, cần mẫn đạp xe đi làm ở Nhà máy cơ khí Mai Động, tham gia lực lượng tự vệ tập trung với lòng căm thù giặc sâu sắc", bà Viễn kể lại. Một hình ảnh khiến tôi cay dọc sống mũi về một Hà Nội hào hùng, máu và hoa.

Gặp lại nữ tự vệ Hà Nội từng chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo - 2

Bà Phạm Thị Viễn, một trong những pháo thủ của Nhà máy cơ khí Mai Ðộng đã từng hạ gục chiếc máy bay F.111A "cánh cụp, cánh xòe" vào đêm 22-12-1972.

Khi mẹ mất, anh trai cả đang ở chiến trường miền Nam, còn người em trai út mới lên 4 tuổi. Nén đau thương thành hành động, cô Viễn đã xung phong vào Đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động và vinh dự được là thành viên của đội.

Giữa năm 1972, khi đế quốc Mỹ tăng cường không lực với các loại máy bay tối tân nhất bấy giờ như "pháo đài bay B-52", máy bay chiến thuật "cánh cụp cánh xòe" F.111 và máy bay F4 với mục đích "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá", trong đó có một số vị trí trọng điểm bị bắn phá liên tục như: Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Kẹo Hải Châu, Khu tập thể Mai Hương… Bà Phạm Thị Viễn cùng đồng đội đã được trang bị hai khẩu súng máy cao xạ 14,5mm trực chiến 24/24h tại khu vực gần nhà máy.

Đêm 18-12-1972, qua hệ thống thông tin liên lạc, các thành viên trong Liên đội tự vệ của bà nhận được tin: "Bom B-52 đã thả xuống khu vực Yên Viên, Đông Anh (Hà Nội)". Trong khi đó, súng cao xạ 14,5mm của Liên đội của bà không thể bắn tới tầm bay của máy bay B-52 được và được lệnh không nổ súng. Ngay sau đó, đơn vị pháo 100mm cách trận địa của liên đội tự vệ khoảng hơn 200 mét theo đường chim bay về phía Nam hạ lệnh cho nữ tự vệ Viễn tăng cường tiếp đạn cho trận địa pháo 100mm.

"Mỗi quả đạn pháo 100mm nặng hơn 40 kg và với sức vóc nhỏ bé như tôi mà suốt từ đêm 18 đến hết đêm 21/12 vẫn thoăn thoắt bê đạn chuyển cho các anh", bà Viễn nhớ lại.

Vít cổ "cánh cụp, cánh xòe"

Chiều 22-12, đơn vị của cô Viễn nhận được lệnh sẽ di chuyển đến trận địa mới. Bà tranh thủ tạt qua nhà lấy thêm lương thực, gạo chuẩn bị cho chuỗi ngày ứng trực chiến đấu, bảo vệ vùng trời quê hương. Gặp bố ở nhà đang chuẩn bị đưa mấy người em đi sơ tán, bà tâm sự: "Liên đội của con sẽ chuyển vị trí đi chỗ khác", "Con chuyển đi đâu? Mỹ đánh bom ác liệt như thế, phải cẩn thận đấy", bố bà dặn. Bố bà Viễn là đại biểu HĐND xã, nên ông không chỉ đưa các con đi sơ tán, còn mình sẽ quay lại cùng chung sức bảo vệ Thủ đô.

Sau đó, bà cùng đơn vị kéo hai khẩu súng cao xạ lên trận địa mới ở Vân Đồn (gần cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô) để thay thế cho một đơn vị pháo cao xạ của bộ đội chính quy đã bị bom Mỹ bắn phá. Tối hôm đó, máy bay Mỹ đánh vào Bệnh viện Bạch Mai, khu vực Văn Điển, Giáp Bát... 21h còi báo động rú vang. Thành phố tắt điện. Máy bay địch xuất hiện, chúng bay thấp dọc theo sông Hồng - hướng đã được cô Viễn cùng các đồng đội đón lõng chờ sẵn.

Máy bay địch cách Hà Nội 60 rồi 50 km! Máy bay địch đang hạ độ cao", "Bắn!", Liên đội trưởng hô to. Tất cả liền đồng loạt nổ súng, tiếng đạn rít, tiếng máy bay ù ù... Cô Viễn cùng đồng đội bắn 1 loạt điểm xạ 19 viên, đuôi máy bay Mỹ lóe sáng...

"Sáng hôm sau, tin chính thức báo về, một chiếc máy bay F.111 "cánh cụp, cánh xòe" đã bị chúng tôi bắn rơi vào đêm hôm trước; bắt được 2 giặc lái. Niềm vui khôn xiết, không gì có thể so sánh được lúc đó. Nước mắt cứ chảy ra, nhớ mẹ vô cùng bởi hạnh phúc khi bắn rơi máy bay hiện đại bậc nhất thế giới nhưng không còn mẹ để khoe...", bà Viễn nhớ lại.

Gặp lại nữ tự vệ Hà Nội từng chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo - 3

Những ký ức đau thương ngày nào vẫn luôn sống trong lòng bà Phạm Thị Viễn.

"Bom rơi trúng hầm bố rồi, chị ơi..."

Rồi, một ký ức đau thương lại đến, đôi mắt bà Viễn ngước lên, ngấn nước... Sáng 27-12, khi bà đang ở trận địa, mọi người trực ca sáng chạy xuống gọi giật giọng: "Viễn ơi, hai em gái em lên gặp em có việc gì đây này". Bà Viễn, hai chân khụy xuống, thoát lực khi nhìn thấy hai người em lấm lem bùn đất, khuôn mặt buồn bã, giọng thều thào: "Chị ơi, đêm hôm qua máy bay Mỹ đã ném bom trúng hầm của bố rồi, hết tiếng bom chúng em đi gọi, đi tìm bố không thấy đâu"….

Bà xin phép đơn vị và một lần nữa, lại chạy như bay về nhà… Về đến nơi bố trú ẩn thì chỉ nhìn thấy một hố bom rộng ngoác. Ao cá của nhà, cá chết nổi trắng. Viễn cùng các em lạc giọng đi tìm bố mà không thấy.

"Ba ngày sau thì chị em tôi mới tìm thấy một phần thi thể rất nhỏ của bố nằm cách xa hố bom chừng 200 mét. Tôi nhận ra bố tôi là vì bố tôi mặc chiếc áo kaki màu vàng, trong túi áo còn lại tấm Chứng minh thư nhân dân. Sáng hôm sau, tôi mới gọi được anh trai tôi về để chôn cất bố", bà Viên rưng rưng kể.

Sau ba ngày khi chôn cất bố, bà Viễn tiếp tục trở lại trận địa. "Lúc đó, mất mát quá lớn làm tôi không còn cảm giác gì, chỉ có một lòng hướng về trận địa. Trách nhiệm của đội tự vệ của chúng tôi là ở trận địa. Công tác sản xuất đã có anh chị em khác cáng đáng. Đau thương của gia đình tôi hòa chung với người dân Thủ đô, đó là tấm lòng sục sôi, quyết tử bảo vệ bầu trời Thủ đô"…

Sau đó, bà Viễn cùng liên đội tự vệ của mình, vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu. Sau mấy ngày bắn rơi F111, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa pháo.

Nhìn thấy cô pháo thủ trẻ đầu trắng khăn tang đang ngồi bên mâm pháo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu liền hỏi thăm hoàn cảnh. Câu chuyện của bà Viễn khiến nhà thơ Tố Hữu hết sức xúc động và viết lên bài thơ "Việt Nam máu và hoa" lịch sử. Trong ấy bốn câu mà bà nhớ mãi: "...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…".

Gặp lại nữ tự vệ Hà Nội từng chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo - 4

Bức ảnh lịch sử về nữ tự vệ Phạm Thị Viễn chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo tháng 12-1972.

Sau thời gian công tác, bà Viễn về nghỉ chế độ, lương hưu công nhân tuy thấp, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng với ý chí chiến đấu như những ngày cuối năm 1972, mọi vất vả rồi cũng dần qua đi.

Trở về địa phương, nhiều năm qua, bà tích cực tham gia công tác ở khu dân cư số 10, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai như Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ phó dân phố, Tổ trưởng phụ nữ; Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ phó tổ người cao tuổi của khu dân cư...

Cuộc sống bình yên, vui thú con cháu, bà Viễn mừng vì Thủ đô ngày càng thay da đổi thịt. Trong nhà, những tấm ảnh kỷ vật năm xưa được bà đặt trang trọng...

50 năm đã qua, câu chuyện của bà Viễn, nữ tự vệ đeo khăn tang đánh địch trên mâm pháo ngày nào vẫn sống động và tràn ngập thanh âm như những thước phim lịch sử đang chạy chậm trước mắt tôi. Bài ca chiến thắng bi tráng, đầy nước mắt của cả đau thương và những chiến công lịch sử như để chúng ta mãi mãi nhớ về một thời Thủ đô máu và hoa oai hùng, mãi mãi không thể nào quên...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gặp lại nữ tự vệ Hà Nội từng chít khăn tang đánh máy bay Mỹ bên mâm pháo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO