CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) vừa có nghị quyết HĐQT về việc dời ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2022 và hủy danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày 7/2/2022 với lý do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và đã ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị cuộc họp.
Ngay sau khi thông tin được công bố với văn bản ghi ngày 21/3, một nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu HQC đã tập hợp chữ ký để kiến nghị đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về quyết định của Hội đồng quản trị HQC dời ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên (dự kiến tổ chức vào ngày 26/03/2022 tại TP.HCM).
Động thái này xảy ra trong bối cảnh cổ phiếu HQC tăng mạnh trong 6 tháng qua, từ mức 3.800 đồng/cp lên ngưỡng trên dưới 10.000 đồng/cp với hàng chục triệu cổ phần được chuyển nhượng trong mỗi phiên giao dịch gần đây.
Thông tin ban đầu cho thấy, một nhóm cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần HQC đề cử người bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2024 và kiến nghị này vào chương trình họp để ĐHĐCĐ thường niên 2022 xem xét thông qua.
Nếu HQC dời ĐHCĐ thì đồng nghĩa với việc sẽ vô hiệu hóa số phiếu được ủy quyền cho nhóm cổ đông muốn tham gia nắm quyền điều hành của công ty. Trong khi đó, nhóm cổ đông của chủ tịch Trương Anh Tuấn còn nắm giữ một tỷ lệ khá thấp để có thể giữ quyền kiểm soát công ty. Cá nhân ông Tuấn chỉ nắm giữ hơn 3,4%.
HQC gần đây có kế hoạch phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ của HQC với cá nhân ông Tuấn và một số cá nhân lên đến 218 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp và tăng vốn điều lệ HQC từ mức gần 4,77 nghìn tỷ đồng hiện tại lên trên 6,9 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch sẽ được đưa ra tại ĐHCĐ lần này.
Đây có thể là một cách thức giúp nhóm ông Tuấn gia tăng tỷ lệ sở hữu và được đưa ra trong bối cảnh thị trường xuất hiện luồng tin ngoài rằng, một nhóm cổ đông đang muốn năm quyền điều hành với ban lãnh đạo hiện hữu.
Có dấu hiệu xuất hiện cuộc chiến vương quyền tại Địa ốc Hoàng Quân. |
Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối 2021, Địa ốc Hoàng Quân nợ xấp xỉ 5 nghìn tỷ đồng, với phần lớn là các khoản nợ ngắn hạn, trong đó nợ chủ tịch Trương Anh Tuấn 1.166 tỷ đồng, là dạng “tiền mượn”, không có thông tin lãi suất phải trả.
Người được để cử vào HĐQT HQC là bà Nguyễn Giang Quyên, người vừa mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Louis Land (BII) hồi giữa tháng 2.
“Họ Louis” là một nhóm các cổ phiếu có quan hệ với nhau gồm BII, TGG, AGM, SMT, VKC, APG và mới đây nhất là TDH và liên quan tới cái tên Đỗ Thành Nhân. Các cổ phiếu nhóm này gần tăng giảm giá đột biến với khối lượng giao dịch rất lớn.
Tăng mạnh cả chục phiên nhưng nhiều cổ phiếu nhóm Louis có nhiều khoảng thời gian mất thanh khoản và khiến nhà đầu tư mắc kẹt.
Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều cuộc chiến vương quyền như tại Eximbank và Coteccons.
Tại Eximbank, tình hình dường như đã ổn định sau một thập kỷ tranh chấp khi bà Lương Thị Cẩm Tú (1980), nguyên là thành viên HĐQT, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) hồi đầu tháng 3/2022 thay cho Ông Yasuhiro Saitoh.
Eximbank chọn được người lèo lái sau khi các nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng này tìm được tiếng nói chung và chọn bà Lương Thị Cẩm Tú là người đại diện cho quyền lợi của các bên tham gia như: nhóm NamABank, nhóm Thành Công, Bamboo Capital, nhóm cổ đông Nhật SMBC…
Cuộc chiến tại CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) cũng đã kết thúc hồi cuối 2020 sau khi đại gia số 1 ngành xây dựng Nguyễn Bá Dương xin từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT sau 16 năm dựng nghiệp tỷ USD.
Trong vài năm trước đó, những mâu thuẫn kéo dài giữa nhóm cổ đông ngoại và nội đã khiến doanh nghiệp bốc hơi khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Cuộc chiến lên tới đỉnh điểm khi mà cả những cổ đông kín tiếng cũng đã vào cuộc. Căng thẳng giữa ban lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông ngoại Kusto bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có khi mà có thêm 1 cổ đông ngoại lớn khác chính thức đặt vấn đề loại bỏ những lãnh đạo của doanh nghiệp này.
Tìm điểm cân bằng
Theo SHS, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục để hướng đến ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 1.520 điểm (đỉnh tháng 2/2022). Những nhà đầu tư đã tham gia mua vào trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm vào tuần trước có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại.
Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng, thị trường bắt đầu xuất hiện áp lực chốt gần 1.510 điểm, thể hiện qua biên độ nến thu hẹp và khối lượng khớp lệnh tăng khá nhiều so với phiên hôm qua. Với áp lực chốt lời hiện tại, có khả năng thị trường sẽ tạm lùi bước để tìm điểm cân bằng.
Chốt phiên giao dịch 22/3, chỉ số VN-Index tăng 8,83 điểm lên 1.503,78 điểm. HNX-Index tăng 3,051 điểm lên 461,35 điểm. Upcom-Index tăng 0,62 điểm lên 116,8 điểm. Thanh khoản đạt 33,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 28,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
V. Hà