Thời gian qua, hai bộ Công an, Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp triển khai việc cho phép sử dụng căn cước công dân có gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi người dân đi khám, chữa bệnh BHYT. Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Để triển khai được tiện ích này, trước đó trên cơ sở xây dựng thành công dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích hợp dữ liệu thẻ BHYT của người dân lên thẻ căn cước công dân gắn chip để phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm chính xác, thuận tiện.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Theo đánh giá của Tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai theo lộ trình, đến nay đã triển khai kết nối chính thức cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 8 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Qua việc kết nối các hệ thống, đã xác thực, làm sạch nhiều dữ liệu có liên quan, phục vụ tích cực việc thực hiện các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, phục vụ các tiện ích của Đề án 06. Điển hình như, đã đồng bộ trên 27,1 triệu thông tin bảo hiểm xã hội để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ BHYT trong khám chữa bệnh.
Theo thống kê, đến hết tháng 5/2022, số lượng cơ sở y tế đã sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh là 5.782/13.166 cơ sở, đạt tỷ lệ 43,9%. Số lượng công dân sử dụng Căn cước công dân để khám chữa bệnh là 246.098 công dân. Trong đó, TP.HCM có số công dân sử dụng căn cước công dân đi khám chữa bệnh nhiều nhất, với 29.189 người.
Theo số liệu của tổ công tác triển khai Đề án 06, đến hết tháng 5, TP.HCM có số công dân sử dụng căn cước công dân đi khám chữa bệnh nhiều nhất, với 29.189 người (Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn) |
Trong báo cáo về tình hình thực hiện Đề án 06, tổ công tác triển khai đề án này cho biết, triển khai các tiện ích phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hiện đã tích hợp thử nghiệm về kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được trang bị tài quầy giao dịch của 5 Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank và PVcombank. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đánh giá, thống nhất và đang triển khai hạ tầng. Dự kiến, sẽ áp dụng chạy chính thức vào cuối tháng 6/2022.
Từ ngày 9/5, Bộ Công an đã tổ chức triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của 3 ngân hàng lớn BIDV, Vietinbank, Vietcombank tại Hà Nội và Quảng Ninh. Tính đến cuối tháng 5, đã có 207 công dân sử dụng thẻ căn cước công dân để giao dịch với tổng số tiền là 727 triệu đồng.
Được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/1/2022, Đề án 06 nhằm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để phục vụ 5 nhóm tiện ích.
Một trong những mục tiêu cụ thể trong năm 2022 của Đề án 06 là bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID), Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…
Vân Anh