Ngày 22.6, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp cùng chương trình Chăm sóc đột quỵ - Angels Việt Nam tổ chức Hội nghị Điều dưỡng Đột quỵ toàn quốc Chuyên đề "Xử trí cấp cứu đột quỵ thiếu máu não". Đây là Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên tại TP Cần Thơ với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác tiếp nhận, xử trí, điều trị và chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.
Hội nghị còn các sự tham gia của các khách mời từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện E cùng gần 1.000 đại biểu cả nước đến tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Nếu không được tái tưới máu kịp thời, cứ mỗi phút sẽ có 2 triệu tế bào não chết đi mà không thể phục hồi.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, với gần 200.000 ca đột quỵ mắc mới mỗi năm đã trở thành gánh nặng cho ngành y tế và xã hội.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, điều dưỡng là người đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, nhận diện đột quỵ và khởi động quy trình cấp cứu đột quỵ. Bên cạnh đó là việc chăm sóc bệnh nhân sau giai đoạn tối cấp một cách toàn diện, giúp họ vượt qua bệnh tật và nhanh chóng bình phục.
"Với vai trò là bệnh viện tuyến Trung ương vùng ĐBSCL, Bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, triển khai đầy đủ các kỹ thuật trong chăm sóc và điều trị đột quỵ và tiến tới lập kế hoạch mở các khóa đào tạo liên tục, sinh hoạt khoa học, nhằm nâng cao năng lực trong việc điều trị đột quỵ dành cho bác sĩ, điều dưỡng của các cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ", bác sĩ Phong cho hay.
Tiến sĩ, Bác sĩ Hà Tấn Đức - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - thông tin: Mặc dù hiện nay, đột quỵ đang trẻ hóa và là nỗi lo của mỗi gia đình, tuy nhiên vẫn còn số đông người dân lơ là với những dấu hiệu của bệnh, cũng như người thân lúng túng trong cách xử trí.
Do đó, bác sĩ lưu ý dấu hiệu nhận biết đột quỵ đơn giản là thông qua quy tắc F.A.S.T (Face - Arm - Speech - Time). Người thân kiểm tra méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn từ bất thường thì nên gọi cấp cứu (115) để nghe hướng dẫn hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện có thể cấp cứu đột quỵ nhanh nhất. Khoảng giờ vàng cấp cứu đột quỵ sẽ giúp cứu sống người bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.Với các điều dưỡng, bác sĩ Đức cũng lưu ý cần kiểm tra đúng bệnh nhân, giải thích quy trình sắp tới cho người nhà, kiểm tra tiền phẫu, xem ký giấy cam đoan, chuẩn bị phòng...để mọi công tác diễn ra an toàn, nhanh chóng.