Thủ tướng đã ký Quyết định số 1680 phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, theo thông tin từ UBND tỉnh Nam Định.
Dự án được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9km, gồm 27,6km qua Nam Định và 33,3km qua Thái Bình.
Điểm đầu Dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định (thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng), còn điểm cuối tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến 2027.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án (không bao gồm lãi vay), là gần 19.000 tỷ đồng. Nếu tính cả lãi vay, tổng mức đầu tư là 19.784 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 13.600 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 3.100 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác hơn 983 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.129 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp hơn 10.400 tỷ đồng (52,8%); vốn Nhà nước hơn 9.300 tỷ đồng (47,2%), trong đó vốn ngân sách Trung ương là 6.200 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Thái Bình là 1.462 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Nam Định là 1.675 tỷ đồng.
Theo quyết định, Dự án thuộc nhóm A, cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh Thái Bình; nhà đầu tư đề xuất Dự án là Tập đoàn Geleximco - Công ty CP.
Để tổ chức thực hiện Dự án, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND tỉnh Thái Bình, Nam Định và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.