Vietnam Idol 2023 sẽ do nhà sản xuất Cát Tiên Sa thực hiện, trong khi The voice 2023 - từng là chương trình tạo tiếng vang cho Cát Tiên Sa, sẽ do VTV cab thực hiện.
Dù cả 2 đơn vị tổ chức đều có kinh nghiệm trong việc sản xuất game show nhưng quyết định chọn 2 chương trình cũ đã phải tạm ngưng vì không còn ăn khách để sản xuất trở lại, khiến dư luận quan tâm.
Vietnam Idol ra mắt năm 2007 và nhanh chóng nổi tiếng khi giới thiệu đến công chúng nhiều giọng hát hay như: Phương Vy, Quốc Thiên, Trà My, Thảo Trang, Uyên Linh, Văn Mai Hương… Từ mùa thứ tư vào năm 2012, chương trình bắt đầu "giảm nhiệt" và chính thức khép lại sau mùa giải năm 2016.
The voice ra đời năm 2012, cũng lập tức gây chú ý nhờ sự mới lạ, nhiều thí sinh thành công sau khi bước ra từ chương trình như: Hương Tràm, Trúc Nhân, Vũ Cát Tường, Đức Phúc, Bùi Anh Tuấn… Nhưng "sức nóng" của chương trình cũng chỉ duy trì được 3 mùa. Từ năm 2017-2019, The voice liên tục làm mới như thay đổi huấn luyện viên, chọn những gương mặt được truyền thông chú ý, thêm luật chơi mới… nhưng cũng không thể quay lại thời hoàng kim. Chương trình ngưng sản xuất từ sau mùa giải 2019.
Vietnam Idol từng là chương trình hấp dẫn một thời, đã tạm dừng nay sẽ trở lại
Bên cạnh quy luật bão hòa của thị trường giải trí như một lý do tất yếu, cả 2 chương trình phải dừng lại còn do không còn các nhân tố nổi bật (chất lượng thí sinh ngày càng thấp) khiến không còn thu hút được khán giả. Nhiều quán quân, á quân bước ra từ 2 cuộc thi trên không được đánh giá cao, không thể bật lên ở thị trường âm nhạc, dù đã hoạt động nhiều năm.
Trở lại lần này, cả 2 chương trình không chỉ thay đổi nhà sản xuất mà còn có nhiều thay đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, do là chương trình được Việt hóa, sự thay đổi chỉ trong phạm vi nhất định. Vì vậy, đổi mới ra sao để vừa hấp dẫn, vừa bảo đảm bản gốc là thách thức không hề nhỏ. Điều quan trọng nhất là sự tồn tại của chương trình chủ yếu phụ thuộc chất lượng thí sinh.
Vài năm qua, thị trường âm nhạc thay đổi nhanh chóng. Những cuộc thi, game show không còn là "chiếc hài bảy dặm" đưa các tài năng một đêm thành sao. Nhiều người thành lập ê-kíp để phát triển độc lập, sớm tạo được dấu ấn. Một bộ phận khác lại nổi lên nhờ các kênh phát hành trực tuyến, nơi có độ phủ sóng rộng khắp và cơ hội gần như được chia đều.
Những chương trình cũ khi trở lại luôn khơi gợi sự tò mò: Có gì mới? Có gì đáng trông đợi? Thương hiệu chương trình, danh hiệu, uy tín từ truyền hình vẫn có giá trị nhất định. Đây là những lợi thế dễ nhìn thấy nhưng thách thức đi kèm cũng không ít và đương nhiên không hề dễ dàng.
Chính vì vậy, sự trở lại của Vietnam Idol và The voice, dù là những chương trình hiện tượng cũng không có gì bảo đảm cả 2 sẽ có thể "hot" khi rating (lượng người theo dõi) đang bị chi phối nhiều bởi nhiều nền tảng sáng tạo nội dung khác. Nhưng quan trọng hơn, yếu tố tài năng hiện tại là không nhiều, đủ để "níu chân" người xem bởi các cuộc thi được tổ chức quá nhiều với cách thức khác nhau nhưng nội dung thì na ná.
Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Khang, Việt Nam là một trong những nước chịu mua formart từ nước ngoài, hễ có gì mới lập tức tranh nhau mua về sản xuất và chỉ gây được tiếng vang một, hai mùa đầu sau đó mất dần, bởi thiếu đi nguồn lực sáng tạo bản địa.
"Nước ngoài cũng không kịp nghĩ ra formart mới để bán cho chúng ta, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có nhảy, múa, hát. Trong khi nhà sản xuất dễ dãi trong khâu tuyển chọn, HLV dễ dãi với phát ngôn của mình thì các thí sinh cũng không ý thức được năng lực, khiến các chương trình game show, truyền hình thực tế nhanh chóng đi vào ngõ cụt" - ông Nguyễn Thành Vinh nhận định.
Theo NLD