Bánh Nhật cực kì phong phú và đa dạng, cũng là dòng bánh được nhiều thợ làm bánh mong muốn chinh phục nhất. Thế nhưng không có nghĩa chỉ có những thợ làm bánh chuyên nghiệp mới có thể làm được những món bánh cầu kì, bắt mắt ấy. Nếu có được một công thức chuẩn cùng với một số kỹ năng cơ bản, ai cũng có thể tự tay làm được những món bánh này.
Vốn có niềm đam mê đặc biệt với gian bếp cũng như những chiếc bánh, gái đảm Hồ Thu Thảo - 9X Sài Gòn cũng thử sức với loại bánh nerikiri và thành công ngoài mong đợi.
Để làm bánh Nerikiri thì chị Thảo cho biết mình sử dụng bột đậu trắng mua sẵn và bột tự sên tại nhà.
Mùa dịch không mua được cân để chuẩn được lượng bột cần thiết nên chị Thảo cũng tự ước lượng thành ra mẻ bánh đầu tay có to nhỏ không đều nhưng ăn cũng rất ngon.
Sau đây là cách làm bánh nerikiri chuẩn vị Nhật Bản:
Bước 1: Xử lý phần đậu trắng thành tinh bột đậu
– Ngâm đậu trắng trong nước sạch từ 10 tới 12 tiếng, sau đó bóc vỏ đậu và rửa lại một lần nữa bằng nước sạch.
– Cho đậu vào một chiếc nồi sạch, đổ nước ngập (cao hơn đậu khoảng 5cm) rồi nấu sôi trong vòng 10 phút. Tiếp theo, bạn đổ bỏ nước, thêm nước mới vào và tiếp tục luộc. Lặp lại khoảng 3 lần để đậu hết mùi hăng và làm đậu trắng hơn.
– Nấu cho tới khi đậu chín nhừ hoàn toàn, lưu ý vớt kỹ bọt trong quá trình luộc đậu. Tiếp theo, khi đậu chín, bạn đổ đậu vào một chậu nước lạnh, dùng muỗng khuấy đều rồi chờ cho đậu lắng hoàn toàn. Chắt phần nước trong chậu đi, sau đó tiếp tục đổ nước mới vào khuấy đều, để bột lắng lại rồi chắt bớt nước. Lặp lại việc chắt nước vài lần để loại bớt phần tạp chất.
– Sau khi chắt xong ước trong thau đậu, bạn lọc đậu qua rây cho mịn, và cố gắng loại bỏ hết phần vón cục và tạp chất.
– Cuối cùng, bạn cho bột đậu vào một túi vải, vắt hết nước và lọc lấy phần tinh bột đậu. Tinh bột đậu có thể trữ trong ngăn đá và sử dụng trong vòng 3 tháng.
Bước 2: Làm phần bột cho vỏ bánh
– Tỷ lệ bột vỏ bánh hoàn hảo là 1kg bột đậu : 300 gram đường : 50 gram bột mochi
– Đầu tiên, bạn hòa tan bột mochi vào với nước, sau đó cho vào lò vi sóng làm chín trong vòng 5 phút, 700W để có được phần bột chín dẻo, sền sệt.
– Trộn phần tinh bột dậu, cùng với đường, bột mochi đã làm chín lại với nhau rồi tiếp tục quay trong lò vi sóng khoảng 10 phút để sên bột lần 1. Lặp lại bước sên bột trong lò vi sóng này từ 5 – 6 lần với thời gian giảm dần. Lưu ý nên dàn đều bột và trộn lại một lần nữa giữa mỗi lần sên để có thể giữ được độ ẩm và mịn của bột bánh.
– Sau khi sên xong, bạn cho bột bánh ra một mặt phẳng rồi dùng tay nhào lại thật kĩ để có được một lớp vỏ bánh dẻo mềm và tan đều trong miệng khi thưởng thức.
Bước 3: Làm phần nhân bánh
– Ngâm đậu xanh hoặc đậu đỏ qua đêm, sau đó cho phần đậu này vào luộc hoặc hấp cho tới khi đậu chín bở. Tiếp theo, bạn nghiền đậu cho tới khi thu được một hỗn hợp bột mịn, mượt.
Thêm từng chút đường một và nếm cho tới khi bột vừa ăn (hỗn hợp nhân chỉ cần ngọt hơn vỏ bánh 1 chút là được), tránh cho đường quá nhiều một lúc sẽ khiến khó điều chỉnh được hương vị của nhân bánh.
– Cuối cùng, vê tròn phần bột này lại và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh cho tới khi tạo hình thì lấy ra,
Bước 4: Tạo hình bánh
– Bạn chia bột vỏ bánh thành nhiều phần nhỏ bằng nhau, cán mỏng rồi cho một ít nhân vào bên trong. Bọc bột vỏ bánh lại sao cho phủ kín phần nhân là được.
– Về cơ bản, bạn có thể tạo ra những chiếc bánh với hình dáng đơn giản như hình tròn hoặc tạo hình với khuôn bánh mochi như hình vuông, chiếc lá, cũng có thể thỏa thích sáng tạo bằng cách cắt tỉa vỏ bánh thành những hình dạng khác nhau.
Điểm đặc biệt của Nerikiri là được tạo hình thành các loại hoa, quả… tượng trưng cho 4 mùa ở Nhật như: Hoa đào cho mùa xuân, quýt cho mùa hạ, lá phong là mùa thu, mùa đông thì có hoa mơ…
Không chỉ có hương vị tuyệt vời, mỗi chiếc bánh dù nhỏ xinh thôi cũng xứng đáng được xem là một kiệt tác nghệ thuật trang trí khiến ai thưởng thức cũng phải trầm trồ thán phục. Bánh tươi nerikiri không phải là một ngoại lệ.