Gác lại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ cùng Bộ tứ khẳng định ưu tiên an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Duy Phương| 11/02/2022 11:10

Ngày 9/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Australia gặp các đồng minh nhóm Bộ tứ (Quad) để tập trung giải quyết các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Gác lại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ cùng Bộ tứ khẳng định ưu tiên an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Australia họp cùng nhóm Bộ tứ để thảo luận về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters)

Theo Ngoại trưởng Australia MarisePayne, chuyến thăm của người đồng cấp Mỹ Antony Blinken là nhằm cùng nhóm Bộ tứ "thể hiện lập trường của mình" và tập trung vào các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ở phía bên kia bán cầu chưa hạ nhiệt.

Cuộc họp tới đây là cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ tư của khối các nền dân chủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ khiến ông Blinken trở thành thành viên cao cấp nhất của chính quyền Biden đặt chân đến Australia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Moscow tiếp tục leo thang về vấn đề Ukraine.

Những vấn đề ưu tiên

Ngoại trưởng Payne nhấn mạnh rằng cuộc họp gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là một thách thức quan trọng đối với Washington. Theo bà Payne, người chủ trì cuộc họp vào ngày 11/2, các bộ trưởng nhóm Bộ tứ “đang thể hiện thái độ ưu tiên mà họ dành cho các vấn đề” quan trọng đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chuyến đi của ông Blinken được cho là nhằm mục đích củng cố lợi ích của Mỹ ở châu Á và đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông cũng sẽ thăm Fiji và thảo luận những vấn đề quan ngại cấp bách về Triều Tiên với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hawaii.

Mặc dù Trung Quốc sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhóm Bộ tứ, nhưng các quan chức Mỹ cho biết Ukraine và mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow cũng sẽ là một chủ đề được thảo luận.

Các quan chức cho biết ông Blinken dự kiến nêu bật lợi ích của các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi gắn kết với các nền dân chủ và các giá trị dân chủ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết: “Phần nội dung của cuộc thảo luận đó sẽ liên quan đến những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với các giá trị dân chủ và trật tự dựa trên luật lệ”.

Tại Bắc Kinh, trả lời câu hỏi về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ sự công kích nền dân chủ Mỹ và đưa ra lập luận bảo vệ những đóng góp của Trung Quốc đối với trật tự toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Mỹ đang buộc các nước khác phải chấp nhận các tiêu chuẩn của nền dân chủ Mỹ, vạch ra các giới hạn với các giá trị dân chủ và chắp nối các bè phái”.

Ông Triệu Lập Kiên khẳng định Trung Quốc “tìm kiếm hòa bình và phát triển, thúc đẩy hợp tác, thúc đẩy xây dựng một hệ thống an ninh bình đẳng, cởi mở và bao trùm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà không nhắm vào các nước thứ ba”.

Trong chuyến thăm Australia, ông Blinken cũng dự kiến sẽ thảo luận về mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc, đặc biệt là sau cuộc gặp 6/2 tại Bắc Kinh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại dịp khai mạc Olympic mùa Đông.

Mỹ đã hy vọng rằng tại cuộc gặp đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bày tỏ lo ngại về việc Nga củng cố quân đội dọc theo biên giới Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc gần như im lặng về vấn đề này.

Ông Kritenbrink bày tỏ thất vọng: "Cuộc gặp đó lẽ ra phải tạo cơ hội cho Trung Quốc khuyến khích Nga theo đuổi chính sách ngoại giao và giảm leo thang ở Ukraine. Đó là những gì thế giới mong đợi từ các cường quốc có trách nhiệm".

Theo ông Kritenbrink, dường như Trung Quốc đang ngầm ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine và điều này gây tổn hại đến an ninh châu Âu và đe dọa hòa bình và ổn định kinh tế toàn cầu.

Các quan chức Mỹ cũng nhắc lại cuộc chiến Nga-Gruzia diễn ra trong lúc Bắc Kinh đăng cai Olympic mùa Hè năm 2008.

Trước đó, Mỹ và các đồng minh nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ về các chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, Tây Tạng, Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông. Các quan chức Mỹ dự đoán ông Blinken và các quan chức khác tại cuộc họp nhóm Bộ tứ ở Melbourne sẽ nhắc lại mối quan ngại về các hành động của Trung Quốc trong các vấn đề này.

Gác lại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ cùng Bộ tứ khẳng định ưu tiên an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham gia hội nghị bàn tròn về quan hệ đối tác an ninh y tế ở Melbourne, Australia, ngày 10/ 2. (Nguồn: Reuters)

Lịch trình vòng quanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Sau khi rời Australia, ông Blinken sẽ dừng chân tại Fiji, nơi ông sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm đảo quốc này kể từ năm 1985.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ngoài cuộc gặp song phương với Thủ tướng Fiji, ông Blinken cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo đảo Thái Bình Dương khác “để thảo luận về cuộc khủng hoảng khí hậu, chấm dứt đại dịch Covid-19, hỗ trợ thảm họa và biện pháp tăng cường cam kết chung đối với dân chủ, đoàn kết khu vực và thịnh vượng ở Thái Bình Dương”.

Trả lời câu hỏi ông Blinken sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo cụ thể nào, ông Kritenbrink không tiết lộ cụ thể, nhưng lưu ý rằng “chúng tôi đã mời 18 nhà lãnh đạo từ các đảo Thái Bình Dương tham gia cùng Bộ trưởng trong một sự kiện kết hợp khi ông ở Fiji”.

Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) bao gồm 18 quốc gia thành viên, nhưng 5 quốc gia đã dọa rút khỏi nhóm sau khi có bất đồng về cuộc bầu cử Tổng thư ký PIF. Đó có thể là lý do tại sao Mỹ tránh đề cập trực tiếp đến Diễn đàn, đặc biệt là khi ba trong số các quốc gia rút lui, bao gồm quần đảo Marshall, Micronesia và Palau, đang đàm phán lại về các Hiệp ước Liên kết Tự do với Washington.

Lịch trình tiếp theo, ông Blinken sẽ đến Hawaii, nơi ông sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tập trung vào Triều Tiên với các ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc. Một loạt vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã nhấn mạnh mối đe dọa từ quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này, vốn đã phớt lờ những lời kêu gọi của Mỹ để trở lại bàn đàm phán.

Phát biểu về các cuộc đàm phán được lên kế hoạch tại Honolulu, ông Kritenbrink nói: “Việc chống lại mối đe dọa do các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và tôi tin rằng các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc của chúng tôi cũng nói như vậy”.

Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên và ông Triệu Lập Kiên đã nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Bình Nhưỡng và cân nhắc "các mối quan ngại an ninh hợp pháp" của Triều Tiên.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gác lại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ cùng Bộ tứ khẳng định ưu tiên an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO