Bởi vì theo các chuyên gia, việc này có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp.
Trả lời PV Báo điện tử VTC News về vấn đề này, ông Trần Văn Chung, chủ gara ô tô Trần Chung (Nhân Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngồi gác chân lên táp lô ô tô bất cứ trong trường hợp nào cũng gặp nguy hiểm vì có thể gặp tai nạn bất ngờ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hơn là ngồi ở tư thế bình thường.
Táp lô là nơi lắp túi khí, vận tốc bung của túi khí là rất nhanh, khoảng 160-320 km/h. Khi xe di chuyển và không may gặp va chạm, túi khí có thể bung ra. Nếu bạn gác chân lên táp lô, trong trường hợp đột ngột như thế này, bạn sẽ không kịp rút chân xuống bởi túi khí bung rất nhanh. Lúc này túi khí sẽ khiến đầu gối gập lại, chân đập vào mặt với lực cực mạnh, gây tổn thương cho mắt, trán, mũi...rất nguy hiểm.
Trong trường hợp xe đang dừng đỗ, vẫn có thể xảy ra tình huống bị xe khác va quệt vào, khiến túi khí bung ra với tốc độ lớn, tấn công trực tiếp vào cẳng chân người đang gác lên táp lô dẫn đến chấn thương nặng.
Còn khi xe dừng hẳn, đã tắt máy, tắt hệ thống điện, lúc này túi khí không thể bung ra, nhưng nếu xe của bạn bị xe khác đâm vào thì ở tư thế gác chân lên táp lô cũng khiến bạn không thể phản ứng kịp, bị gập người theo quán tính và dễ bị chấn thương ở vùng đầu, chân và lưng.
Chưa kể hành động gác chân lên táp lô là một hành động thiếu tế nhị, dễ gây mất thiện cảm cho người bên ngoài nhìn vào và làm bẩn phần táp lô của xe.
“Vì vậy, để đảm bảo sự an toàn, tính mạng của mình, tốt nhất là tuyệt đối không gác chân lên táp lô trong mọi tình huống”, ông Chung nhấn mạnh.
Các chuyên gia an toàn ô tô cũng nhiều lần cảnh báo ngay cả lúc xe dừng đỗ bạn cũng không nên ngồi gác chân lên táp lô. Bởi bạn không thể chắc chắn rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra trong lúc xe của bạn đang dừng đỗ.
Nếu chẳng may xe của bạn bị một chiếc xe khác tông trúng cũng dẫn tới việc bung túi khí, chân và phần mặt của bạn vẫn gặp phải nguy hiểm tương tự.
Thậm chí, với các xe không được trang bị túi khí phía trước ghế phụ thì việc gác chân lên táp-lô cũng vẫn nguy hiểm, vì có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Thực tế từng ghi nhận những trường hợp gãy chân hoặc mất chân khi túi khí trước bên ghế phụ bung trong lúc ngồi gác chân lên táp lô.
Như trường hợp của Audra Tatum ở hạt Walker, Georgia, Mỹ, trong một lần di chuyển bằng ô tô cùng chồng, Audra đã gác chân lên táp lô, khi chiếc xe đang chạy với vận tốc trung bình trong tầm kiểm soát. Bất ngờ có xe khác đâm vào hông xe của họ, khiến túi khí lập tức bung ra và bẻ ngoặt chân của Audra ra phía sau. Cả phần xương đùi, mắt cá chân, mũi và vai của cô cũng bị tổn thương nghiêm trọng.
Sau khi tiến hành cấp cứu, các bác sĩ cho biết nếu Audra Tatum ngồi bình thường, đặt chân xuống sàn xe thì cô sẽ không sao khi túi khí đã bung. Tuy nhiên, do gác chân lên táp lô nên cô đã phải chịu những cơn đau kéo dài tới 2 năm sau đó.
Một trường hợp khác là Grainne Kealy ở Ireland đang gác chân lên táp lô chiếc Jeep của bạn trai khi xảy ra tai nạn do mặt đường đóng băng trơn trượt, khiến đầu gối cô đập vào mặt với tốc độ gần 200 km/h. Hậu quả là cô đã bị cưa bỏ phần trán và tải qua nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo khuôn mặt. Nhiều năm sau đó, cô mới đủ điều kiện sức khỏe để ghép trán giả. Tuy nhiên, những tổn thương với hệ thần kinh thì không thể chữa lành.
Những điều cấm kỵ để tránh tổn thương do túi khí
Ngoài thói quen gác chân lên táp lô, không ít người mắc sai lầm khi đặt hoặc lắp thêm một số vật dụng lên vị trí này, chẳng hạn như tượng, nước hoa hoặc một số vật trang trí khác...mà không gia cố, cố định chắc chắn. Khi xảy ra tai nạn hoặc trong tình huống phải phanh gấp, túi khí bung sẽ khiến các đồ vật này văng ra và đập trung vào người ngồi sau, gây thương tích.
Ngoài ra, một số chủ xe cũng có thói quen dán các loại băng keo, sticker lên vị trí này, gây ảnh hưởng cũng như cản trở sự hoạt động của túi khí.
Không nên dùng ghế trẻ em lắp quay lưng về phía trước nếu xe có trang bị túi khí cho hành khách phía trước, khi túi khí bung sẽ tác động lực mạnh đẩy trẻ vào mặt lưng của ghế phụ phía trên khiến trẻ em bị chấn thương nặng hoặc dẫn đến ngạt thở.
Trong trường hợp bắt buộc phải để ghế của trẻ ở ghế phụ phía trước thì bạn phải cố định ghế ngồi của trẻ thật chắc bằng dây an toàn và lùi ghế càng xa bảng táp lô càng tốt, sau đó tắt nút bung túi khí ở hàng ghế trước.
Ngồi quá gần túi khí, đặt tay hoặc chân lên vị trí của túi khí đều là hành động tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Túi khí nổ với tốc độ rất nhanh, cực mạnh nên ngồi quá gần với túi khí sẽ rất dễ xảy ra chấn thương nghiêm trọng khi túi khí nổ. Tốt hơn hết, người lái nên luôn nắm lấy vành ngoài của tay lái, không bỏ tay lên vị trí của túi khí, còn hành khách ở ghế phụ nên luôn để hai chân dưới sàn. Nên chỉnh ghế hành khách ngồi càng xa túi khí càng tốt, luôn ngồi ngay ngắn và thắt dây an toàn.
Video minh họa.