G7 ra tuyên bố chung về vấn đề Nga-Ukraine, EU 'tiếp tế' trang thiết bị y tế khẩn cấp cho Kiev

Khánh Linh| 20/02/2022 08:26

Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 thể hiện sự "quan ngại sâu sắc" về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Ngoại trưởng Ukrainer Dmytro Kuleba (trái) và Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU chụp ảnh cùng ngoại trưởng G7 sau cuộc gặp tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2. (Nguồn: Reutes)
Ngoại trưởng Ukrainer Dmytro Kuleba (trái), đại diện EU chụp ảnh cùng ngoại trưởng G7 sau cuộc gặp tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2. (Nguồn: Reutes)

Ngày 19/2, ngoại trưởng Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) đã tổ chức cuộc họp khẩn về tình hình căng thẳng Ukraine, tại thành phố Munich, Đức.

Cuộc họp do nước Đức, Chủ tịch G7 đương nhiệm triệu tập, trùng với Hội nghị An ninh Munich đang diễn ra.

Kết thúc cuộc họp, các ngoại trưởng G7 đã ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy Nga đang giảm các hoạt động quân sự tại khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời khẳng định vẫn dành mối quan tâm lớn tới diễn biến tại khu vực này.

Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Anh công bố, các ngoại trưởng đã kêu gọi Nga lựa chọn các biện pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine, đồng thời tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

Tuyên bố có đoạn: "Đầu tiên, chúng tôi hy vọng Nga sẽ giảm các hoạt động quân sự dọc khu vực gần biên giới với Ukraine. Chúng tôi chưa thấy bằng chứng về việc này".

Cũng trong ngày 19/2, Ủy ban châu Âu cho hay Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển trang thiết bị y tế khẩn cấp cho Ukraine theo đề nghị của Kiev.

Các trang thiết bị đã được chuyển từ các nước EU là Pháp, Romania, Slovenia, Ireland và Áo.

Pháp đã chuyển một bệnh viện dã chiến, thuốc, hàng trăm lều, chăn và túi ngủ trong khi các nước còn lại chuyển trang thiết bị y tế và máy phát điện.

Các sự hỗ trợ khác dự kiến sẽ được thực hiện trong những ngày tới.

Trước đó, Ukraine ngày 15/2 đã đưa ra đề nghị viện trợ khẩn cấp do lo ngại cuộc xâm lược của Nga.

Theo quy định, trong trường hợp tình hình khẩn cấp vượt quá khả năng ứng phó của một quốc gia, quốc gia đó có thể đề xuất EU cũng như các nước thành viên EU hỗ trợ thông qua Cơ chế bảo vệ người dân của EU.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
G7 ra tuyên bố chung về vấn đề Nga-Ukraine, EU 'tiếp tế' trang thiết bị y tế khẩn cấp cho Kiev
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO