Những gương mặt đầu tiên
Trước thềm AFF 2004, Ludovic Casset là cầu thủ Việt kiều đầu tiên xin thử việc ở đội tuyển quốc gia, với bản lý lịch từng chơi bóng tại AJ Auxerre. Song, chỉ sau 1 tháng, huấn luyện viên Edson Tavares đã loại thẳng tay vì không đáp ứng được chuyên môn.
Sau đó không lâu, Casset trở thành cái tên Việt kiều mở đường thi đấu V.League, khi anh kí hợp đồng 3 năm với Đà Nẵng. Tuy nhiên, ban huấn luyện đội bóng cũng không hài lòng về chuyên môn của Casset và sớm thanh lý hợp đồng.
Casset xin thử việc ở một số đội bóng V.League và hạng Nhất khác nhưng không thành công. Anh trở lại Pháp và không còn hiện diện ở V.League thêm lần nào nữa.
Tiếp đến là Toni Lê Hoàng, cũng có bản CV hoành tráng như Cầu thủ xuất sắc nhất U19 Ba Lan (2004, 2005), vô địch giải bóng đá U19 quốc gia Ba Lan (2005)… Toni được thử sức ở U23 Việt Nam, nhưng chỉ sau 60 phút trong buổi tập đầu tiên, anh đã bị cố huấn luyện viên Alfred Riedl gạch tên.
Cột mốc năm 2009
Năm 2009 có thể xem là mùa giải bước ngoặt cho làn sóng cầu thủ Việt kiều đến V.League chơi bóng. Hoàng Anh Gia Lai gây tiếng vang khi mời Lee Nguyễn từ châu Âu về thi đấu, Hải Phòng cũng có sự xuất hiện của Đặng Văn Robert.
Với Lee Nguyễn, khoản tiền lương lên đến 10.000 USD/tháng lúc bấy giờ đủ minh chứng cho tầm quan trọng của anh tại Hoàng Anh Gia Lai. Bản thân tiền đạo này cũng có màn trình diễn ấn tượng ngay trong mùa giải đầu tiên với 9 bàn thắng, 12 đường kiến tạo.
Sau đó, những khúc mắc nội bộ khiến Lee Nguyễn rời Hoàng Anh Gia Lai, song cũng không thành công thi đấu tại Bình Dương.
Trong khi đó, Đặng Văn Robert chưa bao giờ là một ngôi sao đúng nghĩa ở Hải Phòng. Chỉ đến khi tới Bình Dương, anh mới thật sự tạo nên giá trị với những đóng góp giúp đội bóng đất Thủ vô địch V.League 2 năm liên tiếp (2014, 2015), giành 2 Siêu cúp Quốc gia (2014, 2015) và 1 Cúp Quốc gia 2014.
Điều này giúp Đặng Văn Robert trở thành cầu thủ Việt kiều thành công nhất trong lịch sử V.League tính đến thời điểm đó. Không những thế, trung vệ sinh năm 1984 còn góp mặt 1 trận đấu ở đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Toshiya Miura.
Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm, Filip Nguyễn
Những cầu thủ Việt kiều như Lee Nguyễn, Đặng Văn Robert đã mở ra hy vọng cho các thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ngoại trừ Đặng Văn Lâm (2010), Mạc Hồng Quân (2013) hay mới đây là Filip Nguyễn, đa số các gương mặt Việt kiều khác đều không thể hiện được nhiều khi thi đấu tại V.League.
Đặng Văn Lâm từng từ Nga về Việt Nam năm 2010 để thử sức tại U19 Việt Nam và Hoàng Anh Gia Lai nhưng không thành công.
Đến năm 2015, anh được câu lạc bộ Hải Phòng tạo điều kiện để trở về thi đấu. Kể từ đó, tương lai của Văn Lâm rực sáng, được khoác áo đội tuyển Việt Nam từ năm 2016 đến nay.
Nghị lực và sự chuyên nghiệp của Văn Lâm giúp anh sang Thái Lan chơi bóng cho Muangthong United, sau đó đến Nhật Bản khoác áo Cerezo Osaka, trước khi một lần nữa tái xuất V.League thi đấu ở Bình Định.
Tương tự, Filip Nguyễn cũng từng thất bại trong lần đầu thử việc tại Thanh Hoá năm 2016. Trở lại Czech, thủ thành sinh năm 1992 nỗ lực khi thi đấu cho Slovan Liberec, Slovacko ở giải quốc nội đến đấu trường châu Âu.
Sau đó, khát khao cống hiến cho đội tuyển Việt Nam thôi thúc Filip Nguyễn trở về quê hương, thi đấu cho câu lạc bộ Công an Hà Nội. Anh cũng tiến rất gần tới giấc mơ khoác áo tuyển quốc gia khi thủ tục nhập tịch sắp hoàn tất.
Chặng đường trở về Việt Nam của Mạc Hồng Quân suôn sẻ hơn. Theo lời giới thiệu của huấn luyện viên Mai Đức Chung, anh trở về Việt Nam thi đấu và khoác áo một số đội bóng như Thanh Hoá, Hùng Vương An Giang, Quảng Nam, Than Quảng Ninh và hiện tại là Bình Định.
Mạc Hồng Quân cũng là cầu thủ Việt kiều thi đấu cho đội tuyển Việt Nam nhiều thứ 2 sau Đặng Văn Lâm, với 14 trận ra sân.
Nhiều gương mặt không để lại dấu ấn
Ngoài số ít cầu thủ Việt kiều ghi dấu ấn, những Keven Huy Nguyễn (Mỹ), Viktor Lê (Nga), Phạm Thanh Tiệp (Slovakia), Lương Nguyên Bảo (Czech), Nguyễn Như Đức Anh (Đức), Ryan Hà (Pháp), Steven Đặng (Mỹ), Vincent Trọng Trí (Pháp)… hay thậm chí là Martin Lò (Australia) đều chưa để lại ấn tượng.
Adriano Schmidt hay Michal Nguyễn là những gương mặt Việt kiều hiếm hoi xuất phát từ một cầu thủ "vô danh", nỗ lực cống hiến và góp mặt ở đội tuyển quốc gia.
Adriano Schmidt được Hải Phòng kí hợp đồng năm 2018, trước khi sang Bình Định từ mùa giải năm ngoái. Nhờ sự bền bỉ, Schmidt được huấn luyện viên Park Hang-seo và Troussier trao cơ hội lên đội tuyển Việt Nam nhưng chưa thi đấu chính thức.
Trong khi đó, Michal Nguyễn khoác áo Bình Dương từ năm 2015 đến 2018, từng vô địch V.League, Cúp Quốc gia và Siêu cúp Quốc gia. Năm 2015, anh có 2 lần được thi đấu cho đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Miura. Tuy nhiên, so với những người đàn anh trước đó, chuyên môn của họ không quá nổi bật và cũng chưa có nhiều đóng góp cho đội tuyển quốc gia.