Ferenc Puskas chưa một lần chạm tay Quả bóng Vàng, nhưng vĩ đại thế nào

Nhà báo Kinh Thi| 01/04/2023 09:00

Ferenc Puskas chưa một lần chạm tay vào giải thưởng Quả bóng Vàng trong sự nghiệp, nhưng cầu thủ đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách 100 danh thủ bóng đá xuất sắc nhất thế kỷ 20 có biệt danh “Thiên nga trắng” lại vô cùng vĩ đại

Nhân kỷ niệm 96 năm ngày sinh huyền thoại bóng đá của Thế giới và Hungaria - Ferenc Puskas. Vietbao xin gửi tới quý vị độc giả bài viết của nhà báo Kinh Thi về chân sút vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Thế giới này...

Huyền thoại không danh hiệu

Đi kèm với các giải thưởng thường niên cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, HLV xuất sắc nhất thế giới… ở gala bóng đá hàng năm của FIFA, luôn có “giải thưởng Ferenc Puskas”, dành cho tác giả của bàn thắng đẹp nhất trong năm.

Bản thân FIFA chưa từng giải thích (hoặc chưa hề giải thích một cách thuyết phục) lý do vì sao lại đặt tên Puskas cho giải thưởng hấp dẫn này. Nhưng, rất hiển nhiên: giải thưởng gắn với bàn thắng đẹp – yếu tố có lẽ là tuyệt vời nhất trong trò chơi bóng đá – mà không mang tên Puskas thì không có tượng đài nào khác xứng đáng đứng tên.

Từ Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, hoặc “quái vật” Erling Haaland trong kỷ nguyên hiện đại, đến những Pele, Ronaldo, Gerd Mueller, Marco Van Basten, Diego Maradona, Alfredo Di Stefano trong quá khứ, đều không hơn được Puskas trong câu chuyện ghi bàn.

Họ có thể ghi rất nhiều bàn. Họ thậm chí có thể là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử – tùy quan điểm mà mỗi người sẽ chọn Maradona, Pele, hay Messi. Nhưng, cây làm bàn vĩ đại nhất chính là Puskas – tượng đài bóng đá… lại không có danh hiệu cá nhân đáng kể nào.

Sinh năm 1927, tình trạng tam sao thất bổn khiến Puskas có 2 ngày sinh khác nhau trong các tư liệu: 1/4 hoặc 2/4. Có sách giải thích: đúng vào ngày sinh nhật thì Puskas được đăng ký tham dự một giải bóng đá trẻ ở tuổi 12, và bố ông phải sửa lại ngày sinh cho hợp lệ.

Puskas đã sắp tròn 30 tuổi khi tuần báo France Football khai sinh giải thưởng danh giá “Quả Bóng Vàng châu Âu” (năm 1956, trao vào đầu năm 1957). Do là năm đầu tiên trao giải, người ta chủ yếu bầu chọn trong cả một quá trình dài trước đó, thậm chí nhìn lại khoảng thời gian trước Đệ nhị thế chiến, và đấy là lý do vì sao “Quả Bóng Vàng châu Âu” đầu tiên được trao cho cầu thủ 41 tuổi Stanley Matthews (Anh).

sự vĩ đại trong ngày tháng lưu vong

Khi biến cố chính trị 1956 xảy ra ở Hungary, Puskas và đồng đội thuộc CLB Honved Budapest đang ở nước ngoài (sau khi sang Tây Ban Nha gặp Athletic Bilbao trong khuôn khổ cúp C1 châu Âu). Ban đầu, họ không về nước, thay vào đó là đi thi đấu giao hữu ở khắp Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Brazil.

Sau đó họ lại chia thành 2 phe. Puskas cùng Zoltan Czibor và Sandor Kocsis ở hẳn nước ngoài. Từ áp lực của Hungary, họ đều bị FIFA treo giò trong một khoảng thời gian dài, riêng Puskas không được thi đấu trong vòng 2 năm. Ngay cả khi CLB M.U gặp nạn trong thảm họa hàng không Munich 1958, rất cần người để xây dựng lại đội bóng, họ cũng không thể tuyển mộ Puskas, vì những lý do ngoài bóng đá.

Sau khi thất bại trong nỗ lực gia nhập M.U (Anh), Espanyol, Milan, Juventus (Ý), rút cuộc thì Puskas cũng ký được bản hợp đồng với Real Madrid vào năm 1958 – sau một cuộc tranh cãi nội bộ gay gắt ở Real, dĩ nhiên. Ít ai nghĩ rằng ở tuổi 31, gần như không thi đấu trong khoảng 2 năm, Puskas lại có thể “tái khởi nghiệp” trong bóng đá đỉnh cao. Chỗ này, lại phải nói thêm: vẻ ngoài của Puskas cực kỳ… phản thể thao, nên người ta càng không tưởng tượng rằng ông có thể chơi bóng trở lại, chứ khoan nói chuyện thành công.

Ông thấp tè, bụng to, ngực lép, bước đi ì ạch. Có hai “quái kiệt” nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao, về chuyện tài năng hoàn toàn trái ngược với thân hình. Đó là cầu thủ chân vòng kiềng (theo hơi hướng dị tật) Garrincha của Brazil, và Puskas của Hungary.

Dưới màu áo Real, Puskas có hẳn một sự nghiệp hoành tránh trong giai đoạn 1958-1966, gồm 5 lần liên tiếp vô địch La Liga và 3 lần đoạt cúp C1 châu Âu.

Năm 1961, Real gặp Atletico trong một trận cầu “thượng đỉnh” tại Tây Ban Nha. Puskas ghi bàn bằng cú sút phạt thần sầu, ngay đầu trận. Trọng tài khước từ bàn thắng vì chưa nổi còi. Puskas tươi cười sút lại.

Ông lặp lại động tác cũ, đưa bóng đi giống hệt quỹ đạo cũ, vào đúng góc cũ. “Hàng rào” của Atletico cũng nhảy lên vô vọng như điều họ vừa làm ngay trước đó, và thủ môn Atletico cũng sững sờ hệt như trước đó. Người ta không hiểu vì sao Puskas đang đứng yên lại bỗng sút được một quả trái phá đẹp và cực mạnh như vậy, đã thế còn lặp lại lần nữa, giống hệt trước đó.

Cũng như hậu vệ nổi tiếng thế giới Billy Wright của đội tuyển Anh không thể hiểu nổi vì sao Puskas gần như chẳng có cả không gian lẫn thời gian, lại sút tung lưới đội Anh trong “trận đấu thế kỷ” vào năm 1953 tại “thánh địa” Wembley của người Anh. Ông không lấy đà, không đi bóng, không có góc sút. Chỉ biết, bóng bay vào lưới đội Anh như sao xẹt trước khi mọi người hiểu ra rằng Puskas đã ghi bàn.

Vâng, đấy là “trận đấu thế kỷ”. Có bao nhiêu trận giao hữu bóng đá được ghi vào sử sách? Hungary trở thành đội bóng đầu tiên ở châu Âu lục địa thắng được đội Anh ngay trên sân Anh (tỷ số là 6-3 nghiêng về Hungary). Nửa năm sau, vẫn chưa phục, đội Anh sang Hungary đá trận giao hữu lượt về và… thua 1-7.

Đến tận bây giờ, đấy vẫn là trận thua nặng nhất trong lịch sử tồn tại của ĐTQG thuộc quê hương bóng đá. Tất nhiên, Puskas đã tỏa sáng trong cả hai trận đấu “kinh thiên động địa” ấy.

Với Puskas mang băng thủ quân, đội tuyển Hungary chỉ thua 1 trận trong suốt 6 năm (1950-1956). Đau đớn thay cho họ, đấy lại là trận chung kết World Cup 1954. Thua 2-3 sau khi dẫn trước 2-0 trong 8 phút đầu, với Puskas mở tỷ số ở phút thứ 6!

và những con số khiến hậu thế vất vả

Số liệu thống kê ngày xưa không được chính xác cho lắm, nhưng đại khái Puskas ghi khoảng 1 bàn/trận trong suốt sự nghiệp bóng đá đỉnh cao, gồm 84 bàn trong 85 lần khoác áo ĐTQG. Vào thời của Puskas, người ta phải sắp xếp, bàn bạc nhiều năm để có thể tổ chức một trận giao hữu.

Cho nên, con số 84 bàn trong 85 lần khoác áo ĐTQG của Puskas là điều mà giới chuyên môn không tưởng tượng nổi. Còn bây giờ, Cristiano Ronaldo ghi đến 122 bàn trong 198 lần khoác áo Bồ Đào Nha, thì đấy lại là một câu chuyện khác, không thể so sánh.

Trước Ronaldo, tượng đài bóng đá vĩ đại nhất Bồ Đào Nha là Eusebio (mà cựu HLV đội tuyển Việt Nam Henrique Calisto luôn khẳng định là ông thấy hay hơn Pele). Tiền đạo Eusebio ghi 41 bàn trong 64 lần khoác áo Bồ Đào Nha.

Đến gần cuối thế kỷ 20, kỷ lục ghi bàn cho đội tuyển Tây Ban Nha vẫn chỉ là khoảng hơn 20 bàn, của… hậu vệ Fernando Hierro (chuyên đá phạt đền). Vả lại, các pha ghi bàn của Puskas trong bóng đá ngày xưa đầy ắp ấn tượng. Người ta không hiểu vì sao cú sút chân trái của ông lại mạnh, chính xác và đầy bất ngờ như vậy (Puskas chỉ sút chân trái). Tiền đạo Gerd Mueller của Đức cũng là một tượng đài vĩ đại, với 68 bàn trong 62 lần khoác áo ĐTQG. Nhưng chẳng ai nhớ bàn thắng nào của Mueller.

Năm 1958, đội tuyển Brazil lần đầu lên ngôi vô địch World Cup. Pele và Vava đá cặp trung phong, với Didi làm chủ khu vực giữa sân trong sơ đồ chiến thuật 4-2-4 huyền thoại. Từ đâu ra sơ đồ lịch sử ấy? Có một giả thuyết quan trọng: do HLV Gusztav Sebes và các ngôi sao như Puskas “truyền đạo” trong giai đoạn họ “lưu vong” và đá giao hữu ở Brazil. Trước đó, bóng đá thế giới gần như chỉ tuân theo sơ đồ WM, và khi 2 đội đá WM gặp nhau thì đấy chính là những cuộc đụng độ “1 chọi 1” giữa 2 đội hình.

Trong “đội bóng vàng” Hungary mà Puskas mang băng thủ quân, trung phong Nandor Hidegkuti lùi sâu về hàng tiền vệ, khiến trung vệ đối phương phải bỏ vị trí để đeo bám. Cặp tiền đạo Puskas và Kocsis lập tức tỏa sáng như chỗ không người vì đối thủ không biết phải kèm họ như thế nào, ai kèm.

Puskas trở thành tượng đài lịch sử vì bên cạnh tài năng sẵn có, ông còn tỏa sáng trong vai trò trung phong “mà đối phương không biết phải kèm thế nào”. Đấy cũng là giá trị lịch sử mà Puskas để lại cho bóng đá thế giới như một di sản, kiểu huyền thoại Đức Franz Beckenbauer gắn chặt với vai trò libero vậy.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ferenc Puskas chưa một lần chạm tay Quả bóng Vàng, nhưng vĩ đại thế nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO