Từ đầu năm 2022, thị trường tài chính quốc tế diễn biến phức tạp với nhiều biến động khó lường: căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu, tác động mạnh lên giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản, làm trầm trọng thêm hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu
USD thế giới đang ở mức cao nhất trong lịch sử, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố nâng lãi suất lên 75 điểm cơ bản trong tuần trước. Đây là lần thứ 3 Fed nâng lãi suất kể từ đầu năm 2022 đến nay, mức tăng cao nhất trong vòng 28 năm qua. Trong khi đó, một quan chức Fed lập luận về một đợt tăng 75 điểm cơ bản khác vào tháng Bảy, dự báo, USD sẽ có đợt tăng tiếp theo.
Trước diễn biến của USD, nhiều đồng tiền của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang mất giá rất mạnh.
Ngay sau quyết định của Fed, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước cũng đồng loạt tăng. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lần thứ 5 liên tiếp. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng tăng lần đầu tiên sau 15 năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng xác nhận dừng mua trái phiếu kể từ 1/7 sau khi đã áp dụng chính sách này gần một thập kỷ. Ngoài ra, ECB cũng đánh tín hiệu sẽ thực hiện nhiều đợt nâng lãi suất bắt đầu vào tháng 7 tới.
Về chính sách tiền tệ trong nước, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, NHNN nên tăng lãi suất lên 0,5%. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn giữ quan điểm, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2022 sẽ không bị tác động lớn.
Mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, tỷ giá USD/VND không có xu hướng giảm như năm 2021, mà từ đầu năm 2022 đến nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021.
Trên quan điểm điều hành chính sách của NHNN, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp nêu trên, NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ
Ông Quang nhấn mạnh, từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND
Ngọc Cương