FED đã phạm sai lầm (?): Một góc nhìn khác

Huyền Chi| 04/07/2022 16:16

Một góc nhìn đến từ kinh tế gia Ben Bernanke, một người rất hiểu FED và thể chế kinh tế Hoa Kỳ khi từng có 8 năm đứng đầu NHTW này, trải 2 đời Tổng thống Mỹ (từ 2006 - 2014) và là người dẫn dắt FED xuyên qua cuộc khủng hoảng 2008 - 2010.

Ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – đang phải đối mặt với những lời chỉ trích khi Fed tỏ ra chậm chạp trong việc kiềm chế lạm phát. Dù Fed đã tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 0,75% trong cuộc họp hôm 15/6, song tình trạng lạm phát được tin rằng sẽ khó ‘hạ nhiệt’ trong thời gian ngắn.

Một số chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers, đã bày tỏ nỗi lo lắng về một cú ‘hạ cánh mềm’ đã nằm ngoài tầm với của Fed.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của cựu Chủ tịch Fed Ben Barnanke trên tạp chí Barron’s, cho thấy một góc nhìn khác về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan này.

FED đã phạm sai lầm (?): Một góc nhìn khác ảnh 1

Cựu Chủ tịch Fed Ben S. Bernanke (Ảnh: Business Insider)

Ông Jerome Powell đã tái đắc cử chức Chủ tịch Fed nhiệm kỳ mới nhưng chẳng có thời gian để ăn mừng. Đà phục hồi cao bất thường của nền kinh tế sau đại dịch, mức tăng lạm phát đột biến, làm dấy lên câu hỏi về chính sách mới của Fed.

Vào tháng 8/2020, ông Powell đã tuyên bố về kế hoạch mới của Fed, gọi là 'mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt' (viết tắt là FAIT). Kế hoạch mới này hướng đến mục tiêu lạm phát được duy trì ở mức 2% giống như trước đây, nhưng có 2 thay đổi quan trọng.

Ben S. Bernanke là kinh tế gia người Mỹ. Ông là Chủ tịch thứ 14 của Cục Dự trữ liên bang (Fed) Mỹ từ tháng 2/2006- 1/2014. Hiện, ông đang làm việc tại Viện Brookings.

Thứ nhất, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) nhất trí cố gắng bù đắp cho việc chưa đạt được mục tiêu về lạm phát trong quá khứ. Nếu như lạm phát được duy trì ở mức dưới 2% trong một giai đoạn – như đã thấy trong phần lớn thập kỷ qua – FOMC sẽ có thể bù đắp bằng cách cho phép lạm phát “ở mức trên 2% trong một giai đoạn”.

Mục đích của họ là nhằm thể hiện rằng, mục tiêu này thực sự cân đối, không để cho lạm phát thấp hơn hay cao hơn mục tiêu đề ra trong một khoảng thời gian quá dài.

Ngược lại, theo hướng tiếp cận truyền thống, các nhà hoạch định chính sách thường phớt lờ những lần không đạt được mục tiêu về lạm phát – xét cả về mức độ và khoảng thời gian – và đơn giản là cố gắng đạt được mục tiêu đó về sau, cho qua những gì đã qua.

Thứ hai, khác với quá khứ, FOMC sẽ không cố gắng để giải quyết sớm sức ép lạm phát tiềm ẩn bằng cách thắt chặt chính sách để phản ứng trước những sự thay đổi của thị trường lao động, ngay cả khi lạm phát không thực sự tăng. Theo chính sách mới, FOMC sẽ không tung ra “những đòn tấn công phủ đầu” kiểu vậy nữa.

Thay vào đó, để tránh gây ảnh hưởng tới đà phục hồi của thị trường lao động, FOMC nói rằng thị trường lao động đang được cải thiện là một lý do chưa đủ để họ thắt chặt chính sách, miễn là lạm phát vẫn được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong năm ngoái và năm nay, mức lạm phát quá cao trở thành vấn đề đau đầu đối với FOMC.

Một số kinh tế gia có tầm ảnh hưởng, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, Olivier Blanchard (trưởng kinh tế gia từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF) và Jason Furman (cố vấn hàng đầu của chính quyền Barack Obama), đồng loạt nêu quan ngại rằng gói kích thích tài chính đồ sộ cùng với chính sách tiền nới lỏng sẽ 'hâm nóng' nền kinh tế quá mức, dẫn tới tình trạng lạm phát kiểu như trong thập kỷ 70 hoặc khiến Fed đột ngột thắt chặt chính sách, làm gián đoạn nền kinh tế và các thị trường.

Vì sao Fed không hành động sớm hơn?

Lạm phát đúng là tăng nhanh hơn so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách Fed. Tính đến tháng 3/2022, mức tăng chi tiêu của người dân – bao gồm cả các mặt hàng năng lượng và thực phẩm – đã tăng 5,2% trong giai đoạn 12 tháng, vượt mục tiêu của Fed. Theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, lạm phát trong tháng đó lên tới 8,6%, mức cao nhất trong vòng 40 năm.

Tại sao điều này lại xảy ra (!?). Trong suốt năm ngoái, FOMC ngày càng tỏ rõ sự lo ngại về lạm phát. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của họ phải mãi đến tháng 11 mới chịu ngừng chương trình mua trái phiếu, và mãi đến tận tháng 3 năm nay mới chịu tăng lãi suất lần đầu tiên.

Tháng 5 vừa qua, FOMC tiếp tục nâng lãi suất và công bố kế hoạch giảm lượng trái phiếu mà họ nắm giữ.

Nhưng một số nhà hoạch định chính sách của Fed và nhiều chuyên gia kinh tế bên ngoài đều nhất trí rằng, đáng lẽ ra Fed đã phải có hành động sớm hơn để ứng phó với lạm phát.

FED đã phạm sai lầm (?): Một góc nhìn khác ảnh 2

Trụ sở FED. (Ảnh Internet)

Liệu có phải chính FAIT đã khiến Fed phản ứng chậm trễ như vậy (!?). FAIT đặt nỗ lực vào việc có được thị trường lao động mạnh mẽ - mà FOMC mô tả là sẽ cung cấp nhiều lợi ích “rộng lớn và toàn diện.”

Bởi vậy, điều này có lẽ đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách cảm thấy tự tin hơn về khả năng phản ứng trước lạm phát của họ. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn của việc FOMC không có hành động sớm lại không phải là FAIT mà là những hiệu ứng bất thường của đại dịch Covid-19, điều khiến họ không thể dự đoán trước được tình hình.

Đại dịch Covid-19 đã làm phức tạp hóa những chỉ số về thị trường lao động, vốn rất đáng tin cậy.

Vào giữa năm 2021, các nhà hoạch định chính sách của Fed nói rằng nền kinh tế Mỹ còn lâu mới đạt được toàn dụng lao động (Full employment). Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 ở mức 5,9%, cao hơn mức 3,5% trước đại dịch, và hàng triệu người mất việc làm.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thời đại dịch, những chỉ số này đã che giấu sức mạnh thực sự của thị trường lao động.

Nhiều người lao động không muốn trở lại làm việc bởi họ cần phải chăm sóc thân nhân của mình – lo rằng tình trạng bệnh sẽ nặng hơn – hoặc do họ suy nghĩ lại về những ưu tiên trong cuộc sống. Giờ thực tế đã chứng minh, mức lương tăng và các chủ doanh nghiệp khó kiếm nhân công hơn, thị trường lao động trong năm ngoái khỏe mạnh hơn so với điều mà những con số thống kê truyền thống thể hiện.

Thêm vào đó, FOMC cũng nhận thấy xu hướng tăng của lạm phát vào giữa năm 2021 – lạm phát trừ giá năng lượng và thực phẩm ở mức 3,5% trong mùa Hè – phản ánh một số lực lượng tạm thời liên quan tới việc mở cửa lại nền kinh tế.

Xu hướng này bao gồm tăng giá ở một số ngành nghề từng chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch (khách sạn, hàng không), các 'nút thắt cổ chai' trong chuỗi cung ứng, cùng với sự thay đổi đột biến trong chi tiêu của người dân dẫn đến giá một số loại phương tiện, hàng hóa tăng cao.

Những cú sốc về chuỗi cung ứng, bao gồm sự gián đoạn trong nguồn cung lao động, dường như sẽ giảm nhẹ khi mà COVID-19 đã được kiểm soát. Mặc dù giá cả các mặt hàng tăng, nhưng nhiều dự báo về lạm phát (được đưa ra bởi hàng loạt nghiên cứu về hộ gia đình và doanh nghiệp, lãi suất trái phiếu chính phủ) đều cho thấy tỷ lệ lạm phát sẽ được duy trì ở mức trung bình. Những điều này càng khiến Fed nghĩ rằng tình trạng lạm phát chỉ là tạm thời.

Cú sốc cung ứng do đại dịch gây ra thực sự là nguồn cơn quan trọng gây ra lạm phát, nhưng vấn đề là mức độ lạm phát trầm trọng và kéo dài hơn so với tưởng tượng của FOMC.

Giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh do chiến sự ở Ukraine càng tạo thêm sức ép giá. Dự báo về lạm phát trung hạn (2 – 3 năm) vẫn không tăng nhiều, điều này cho thấy lòng tin của người dân đối với cách xử lý của Fed, nhưng lạm phát ở mức cao lại kéo dài và lan sang nhiều khu vực của nền kinh tế.

Giờ đây, thách thức mà Fed phải đối diện chính là giảm lạm phát mà không gây ra một cuộc suy thoái – hay “cú hạ cánh mềm.”

Vậy nếu việc Fed phản ứng chậm trễ là do những tình huống bất thường mà đại dịch COVID-19 gây ra, chứ không phải là do FAIT, vậy thì điều gì sẽ xảy ra với FAIT khi nó được đem ra xem xét lại vào năm 2024-2025 (!?).

Tôi đồ rằng sẽ có rất ít sự thay đổi. Nếu lạm phát giảm xuống mức trước đại dịch và lạm phát quá thấp trở thành vấn đề tiềm ẩn, vậy thì việc kích thích kinh tế vẫn sẽ hữu dụng.

Nếu lạm phát không giảm xuống mức trước đại dịch, vậy thì việc kích thích kinh tế quá mức là không (hoặc hiếm khi) cần thiết.

Nhưng cả hai kịch bản này sẽ không gây ra nhiều vấn đề và bởi vậy FAIT có khả năng vẫn được giữ nguyên, trong trường hợp cần dùng tới trong tương lai. Vấn đề lớn hơn chính là sự khó khăn của FOMC khi quyết định xem đâu là thời điểm mà nền kinh tế toàn dụng lao động.

Cần phải có một kế hoạch mới để nhận thức rõ về sự khó khăn khi dự báo về toàn dụng lao động và xác định được nó khi mà nó xảy ra. Làm được như vậy thì FOMC mới có thể giữ vững được cam kết của họ đối với một thị trường lao động khỏe mạnh, đồng thời tạo cho họ sự linh động khi phản ứng với lạm phát./.

Theo Barron's

Theo viettimes.vn
https://viettimes.vn/fed-da-pham-sai-lam-mot-goc-nhin-khac-post158302.html
Copy Link
https://viettimes.vn/fed-da-pham-sai-lam-mot-goc-nhin-khac-post158302.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
FED đã phạm sai lầm (?): Một góc nhìn khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO