Tài khoản giả mạo của Mbappe cũng được Facebook cấp tick xanh như chính chủ. Ảnh: Xuân Sang. |
Khi người dùng tìm kiếm từ khóa “Kylian Mbappe” trên Facebook, nền tảng trả về kết quả dẫn đầu là hai fanpage có tên cầu thủ người pháp. Đáng nói, hai trang này đều được mạng xã hội thuộc Meta cấp tick xanh, xác minh tài khoản chính chủ.
Trong đó, trang Facebook có đường dẫn @k.mbape đăng nhiều nội dung bất thường. Ví dụ, đêm 1/3 (giờ Việt Nam), fanpage này đăng bài ăn mừng danh hiệu FIFA The Best của Mbappe trong đội hình xuất sắc. Đáng nói, phần mô tả bức ảnh lại gây nhiều tranh cãi. “Thêm một danh hiệu nữa được đón về nhà. Xin chúc mừng Leo Messi, anh là The Best, tất nhiên là sau G.O.A.T (cầu thủ hay nhất mọi thời đại) Ronaldo”, trang này viết.
Bài viết gây tranh cãi của fanpage giả mạo cầu thủ Kylian Mbappe. Ảnh: @k.mbape. |
Điều này là bất thường bởi Mbappe là cầu thủ khá kín tiếng, ít có phát biểu trên mạng xã hội. Do đó, việc anh trực tiếp so sánh người đồng đội ở PSG với CR7 là rất khó hiểu. Trước đó, Mbappe đã đăng bài chúc mừng Messi trên Instagram với nội dung gần như tương tự, chỉ không bao gồm phần so sánh với Ronaldo.
Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng khác cho thấy đây là một fanpage giả mạo, dù có tick xanh của Facebook. Trong phần Tính minh bạch, nền tảng cho thấy trang này mới được lập hồi tháng 4/2022. Đồng thời, những người quản lý fanpage đều có vị trí tài khoản đặt tại Việt Nam.
Ngoài ra, các đường dẫn đến tài khoản Snapchat, Giphy được gắn trên trang nói trên đều không phải chính chủ, chưa được website của Mbappe xác nhận.
Mới thành lập chưa được một năm, trang này đã thu về hơn 700.000 lượt thích cùng một triệu người theo dõi. Bên cạnh lợi dụng danh tiếng của siêu sao bóng đá, người vận hành fanpage còn thường xuyên đăng tải nội dung gây tranh cãi, chạy quảng cáo trang để thu hút tương tác.
Theo dữ liệu trên trang web của Kylian Mbappe, fanpage ở đường dẫn @kylianmbappeofficiel mới là tài khoản chính thức của cầu thủ này trên Facebook. Trang này vốn được lập từ 2017 và có 3 người quản lý đều có vị trí ở Pháp. Số lượng bài đăng trên trang Facebook này khá hạn chế, đúng như phong cách của cầu thủ thuộc biên chế PSG.
Theo ông Mai Thanh Phú, chuyên viên Marketing online, người quản lý hệ thống hàng trăm fanpage, giới “tricker” (những người biết thủ thuật) Facebook tại Việt Nam có nhiều chiêu trò để chiếm đoạt trang có tick xanh nhằm đổi tên hoặc làm giấy tờ giả, yêu cầu nền tảng cấp xác nhận. Những cá nhân này lợi dụng danh tiếng cầu thủ, diễn viên để câu tương tác.
Gần đây, nhiều người dùng tại Việt Nam nhìn thấy các quảng cáo, bài đăng của loạt diễn viên khiêu dâm Nhật Bản. Hệ thống trang này đều có tick xanh của Facebook. Tuy nhiên, khi kiểm tra thông tin, chúng lại được quản lý bởi người Việt.
Việc quản lý, cấp tick xanh của Facebook vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, để kẻ gian khai thác. Tính năng chống mạo danh của nền tảng hoạt động không hiệu quả, khiến người dùng bị lừa. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn khi Meta triển khai bán tick xanh rộng rãi cho người dùng trong thời gian tới.