F0 ở TP.HCM quá nhiều gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch

Phương Linh| 07/07/2021 13:41

Đó là nhận định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM về tình hình dịch bệnh diễn ra tại thành phố vừa qua.

Tính từ ngày 27/4 đến 12h ngày 7/7, TP.HCM có tổng cộng 7.655 ca mắc Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Trong đó, có 673 trường hợp điều trị khỏi.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 6h ngày 4/7 đến 6 ngày 6/7, thành phố ghi nhận 461 trường hợp dương tính với nCoV. Trong đó, có 108 ca trong khu phong tỏa, 166 ca trong khu cách ly, 2 ca cách ly tại nhà, 7 ca phát hiện khi tầm soát cộng đồng, 105 ca tầm soát sàng lọc tại bệnh viện, 73 ca đang điều tra bổ sung thông tin.

Hiện thành phố đang điều trị 279 bệnh nhân nặng tại 9 bệnh viện, trong đó có 6 trường hợp cần can thiệp ECMO.

8g9a0612-2(1).jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, từ ngày 26/5 đến ngày 5/7, thành phố đã lấy 1.688.287 mẫu xét nghiệm PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...). Trong đó có 29.297 mẫu (28.194 mẫu âm tính, 1.103 mẫu chờ kết quả); Tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2): 224.446 mẫu (200.905 âm tính, 23.541 đang chờ kết quả); Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 1.434.544 mẫu (1.136.430 mẫu âm tính, 298.114 mẫu chờ kết quả.

Về công tác tiêm chủng, qua 4 đợt tiêm, thành phố đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 985.077, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, thành phố đang dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tình hình dịch bệnh tại thành phố còn phức tạp, số ca F0 phát hiện mới ngoài cộng đồng quá lớn, là yếu tố nguy cơ và gây khó khăn trong việc khống chế dịch bệnh.

Ông Nên ghi nhận, một số công tác phòng chống dịch mà thành phố đã làm tốt trong thời gian qua là: các Doanh nghiệp tại KCN, KCX đã chủ động trong kế hoạch phòng chống dịch từ xa, tổ chức tốt việc cho công nhân vừa làm việc vừa cách ly tại chỗ, đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện an toàn phòng chống dịch. Việc thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm COVID-19 có thể đảm bảo công tác xét nghiệm tầm soát, giúp cho truy vết nhanh đạt hiệu quả…

Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch được hiệu quả hơn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, thành phố cần tăng cường công tác tầm soát xét nghiệm, tập trung cho việc lấy mẫu đồng bộ với năng lực xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu truy vết nhanh, thần tốc.
Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý cách ly tại nhà, chú trọng vào việc phát triển các tính năng để phù hợp với từng khâu của công tác phòng chống dịch.

Huy động và tiếp tục phát huy lực lượng cơ sở, góp phần hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi trọng điểm như chợ đầu mối, KCX-KCN, KCNC, khu nhà trọ… Mạnh dạn đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm.

“Thiết bị và phương tiện xét nghiệm nCoV hiện đã đầy đủ. Sở Y tế cần có phương án tiếp nhận và bàn giao cụ thể cho đơn vị sử dụng đảm bảo hiệu quả”, ông Nên nói.

Ông Nên cho biết, phố đang tập trung cao nhất có thể để có nguồn vắc xin Covid-19 cho người dân. Ngành Y tế cần chuẩn bị sẵn lực lượng và xây dựng kế hoạch để tổ chức tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, trật tự trong thời gian tới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
F0 ở TP.HCM quá nhiều gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO