Nghiên cứu được công bố ngày 21/3 trên tạp chí Lancet Diabetes & Endocrinology, do các tác giả tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA Saint Louis, Mỹ, thực hiện. Họ xem xét dữ liệu bệnh nhân từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 1/3/2020 đến 30/9/2021.
Nguy cơ cao hơn 40%
Các tác giả so sánh hơn 181.000 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV và 4,1 triệu người khác trong cùng khoảng thời gian. Dữ liệu cũng được so sánh với 4,28 triệu bệnh nhân được điều trị tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA Saint Louis trong năm 2018, 2019.
Từ đây, nhóm chuyên gia phát hiện những người đã khỏi Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn 40%.
Điều này có nghĩa cứ 100 F0 sẽ có 1 người tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường sau khi nhiễm nCoV, tỷ lệ tương đương 1%. Tính đến ngày 21/3, Mỹ đã ghi nhận 79,5 triệu người mắc Covid-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), điều này tương đương dự báo có thể có khoảng 795.000 trường hợp sẽ bị tiểu đường trong thời gian tới.
Nghiên cứu mới bổ sung thêm bằng chứng cho thấy người mắc Covid-19 có nguy cơ bị tiểu đường type II cao hơn và virus không chỉ ảnh hưởng tới phổi mà còn nhiều cơ quan khác. Ảnh: Scientist.
Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển của Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA Saint Louis, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với ABC News: “Những con số này khiến tôi nghẹn lại. Covid-19 không chỉ có những tác động cấp tính. Nó để lại cho nhiều người hậu quả sức khỏe lâu dài, họ sẽ phải đối phó suốt đời và điều này thật khủng khiếp. Tôi rất e ngại nếu chúng ta chấp nhận điều này”.
Theo vị chuyên gia, ban đầu nhóm nghiên cứu cho rằng nguy cơ sẽ chỉ gia tăng ở những người có yếu tố dễ mắc tiểu đường như béo phì. Nhưng kết quả lại khiến họ rất sốc. Nguy cơ này rõ ràng ở tất cả nhóm.
"Điều này thấy rõ nhất khi so sánh ở người da màu và người da trắng; người trẻ và lớn tuổi, nam và nữ. Và đặc biệt, nó rõ ràng ngay cả ở những người không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”, ông Al-Aly nói.
Ông cũng cho hay một số giả thuyết về cách làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường của nCoV. Song, không giả thuyết nào được chứng minh hoặc bác bỏ. Trong đó, một giả thuyết cho rằng Covid-19 thúc đẩy tình trạng viêm, giảm độ nhạy và tiết insulin. Nguyên nhân khác có thể là nCoV gây ra những xáo trộn trong thành phần và chức năng của hệ vi sinh vật, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Maren Laughlin, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia về Bệnh tiểu đường, tiêu hóa, thận, đánh giá cao nghiên cứu này. Tuy nhiên, bà lưu ý hạn chế của nó là bệnh nhân tham gia dự án thường có xu hướng già, ốm hơn, nhiều nam giới hơn nhóm dân số chung.
Ngày càng nhiều hậu quả lâu dài của Covid-19
Phát hiện này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy mắc Covid-19 có thể dẫn tới nhiều hậu quả lâu dài về sức khỏe. Theo TS Al-Aly, đa số chúng ta nghĩ đến ảnh hưởng sức khỏe lâu dài hậu Covid-19 là khó thở, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ. Song, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy F0 khỏi bệnh có thể bị vấn đề về tim, thận và trong trường hợp này là tiểu đường.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, chúng tôi bắt đầu nhận thấy ở nhiều F0 những biểu hiện lâu dài không chỉ là mệt mỏi, sương mù não mà cả tiểu đường mới khởi phát”.
Trong số những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc tiểu đường, hơn 99% là type II. Đây là dạng bệnh tiểu đường phổ biến nhất, xảy ra khi tế bào kháng lại insulin – hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Do kháng insulin, tuyến tụy phải tạo ra nhiều chất hơn để bắt các tế bào đáp ứng và điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao. Tiểu đường type II có thể liên quan chế độ ăn uống, tập thể dục.
Ngược lại, tiểu đường type I là bệnh tự miễn dịch, trong đó, cơ thể phá hủy các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin. Dạng này thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên và trẻ em. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có thể bị tiểu đường thai kỳ.