Chỉ mong người dân hợp tác, không kỳ thị
1 tháng điều trị Covid-19 tại trung tâm y tế là khoảng thời gian đáng nhớ đối với chị Trần Thị Phương (phường Phú An, Thuận An, Bình Dương).
Thời gian cách ly tại nhà, việc chị làm hàng ngày là gọi điện cho các đơn vị, tổ chức để xin làm tình nguyện viên, hỗ trợ các F0 và công tác phòng chống dịch. Cuối cùng, hoàn thành thời gian cách ly, chị tham gia là tình nguyện viên Tổ test nhanh của Tỉnh đoàn Bình Dương với nhiệm vụ sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đội tình nguyện viên tham gia lấy mẫu test nhanh.
“Thời gian đi lấy mẫu không cố định, cứ có lịch là chúng tôi lên đường. Sáng, sau khi đến khu vực cần test, chúng tôi chia đội và đăng ký bàn. Các tình nguyện viên nhận đồ bảo hộ, que test nhanh và chuẩn bị công việc. Trong khi đó, chính quyền địa phương huy động người dân đến khu vực test…”, chị Phương nói.
Công việc yêu cầu các tình nguyện viên phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc như khử khuẩn, bảo hộ. Nếu khu vực lấy mẫu là vùng đỏ, sau khi hoàn thành, họ phải rời sang khu vực khác để ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn. Cứ 3 ngày/lần, họ phải xét nghiệm để phòng nguy cơ lây nhiễm.
“Lúc làm việc, chúng tôi hạn chế uống nước để giảm nhu cầu đi vệ sinh, tránh trường hợp phải thay một bộ đồ bảo hộ. Những lúc trời nóng, mồ hôi đổ ướt áo, thật không hề dễ chịu. Có những hôm đứng cả ngày để lấy mẫu, đêm về 2 gót chân tôi đau nhức, không nhấc nổi”, chị Phương nói.
Theo chị Phương, công việc thuận lợi nhất là khi nhận được sự hợp tác của người dân. Nhiều người biết mình có khả năng là F0 đã trốn trong nhà, lực lượng chức năng phải đến can thiệp mới chịu ra để thực hiện test nhanh. Cuối cùng trong gia đình 3 người đó, có 2 người (mẹ và con) kết quả dương tính. Sau đó, phía y tế sẽ can thiệp để đưa đi cách ly, điều trị.
Chị cũng chạnh lòng với những lần bị kỳ thị. “Có lần, sau khi đi tập huấn để chuẩn bị làm tình nguyện viên về nhà, tôi và người em nhận được ánh mắt lo lắng của người hàng xóm. Người này khuyên một người khác: “Đừng lại gần nó”.
Chị Trần Thị Phương
Người ta biết chúng tôi sẽ là tình nguyện viên, tiếp xúc nhiều người và sợ sẽ lây bệnh cho họ. Không chỉ vậy, ở một số nơi còn tình trạng kỳ thị với người là F0 dù đã khỏi bệnh và về nhà để cách ly. Lý do họ đưa ra là: “Chưa chắc đã hết bệnh, vẫn có khả năng lây cho người khác”, chị Phương kể.
Tuy nhiên theo nữ tình nguyện viên này, cũng có những người dân rất thân thiện. Sau khi được lấy mẫu, họ nhẹ nhàng nói lời cảm ơn. “Thậm chí, nhiều nơi người dân còn mang gà, xôi, nước uống… ra tặng đội test nhanh”, chị Phương kể.
Ngày 25/8, chị Phương tiếp tục vào khu cách ly ở ĐH Quốc Gia TP.HCM để hỗ trợ y bác sĩ chăm sóc F0. Chị nói: “Đây như một cách để tôi trả ơn đối với các lực lượng y bác sĩ, tình nguyện viên đã giúp tôi khỏi bệnh”.
Giấu gia đình đi làm tình nguyện
Tối 25/8, trời mưa lớn, anh Trần Văn Tài (SN 1994, ở Bình Hòa, Thủ Dầu 1, Bình Dương) đang chờ xe để trở về nhà. Anh cùng các tình nguyện viên khác vừa kết thúc 1 ngày test nhanh cho người dân. “Có hôm 11, 12h đêm chúng tôi mới về đến nhà”, anh nói.
Anh Tài từng là F0, ngày 18/7, anh được chuyển đi cách ly tại khu cách ly tập trung với các triệu chứng đau họng, mất khứu giác…
Nhận kết quả âm tính sau 14 ngày, anh tiếp tục về nhà cách ly thêm 2 tuần nữa. Thời gian là F0, ở khu cách ly, anh thấy nhiều người trở nặng, nhiều người đã mất đi: “Tôi thấy xót xa nên khi khỏi bệnh, muốn giúp những người khác”.
Anh Tài lấy mẫu test nhanh cho một người dân.
Lúc đầu, anh định đăng ký vào bệnh viện dã chiến để chăm sóc các F0 nhưng ba mẹ phản đối vì lo con vất vả, nguy cơ có thể nhiễm lại lần nữa. Vì vậy khi đăng ký làm tình nguyện viên lấy mẫu test nhanh, anh đã giấu cả nhà. “Sau này, gia đình có biết nhưng không phản đối nữa, chỉ dặn tôi cẩn thận”, anh kể.
Để giữ an toàn cho gia đình, anh thuê phòng trọ ở riêng trong quá trình làm tình nguyện viên. Là tình nguyện viên của Tỉnh đoàn Bình Dương, công việc chủ yếu của anh là lấy mẫu test nhanh, thống kê thông tin, nhập dữ liệu…
Công việc bắt đầu từ sáng kéo dài qua trưa bởi thấy người dân đứng chờ, nắng nóng, các tình nguyện viên lại cố gắng làm xong để họ không phải đợi sang tận chiều buổi chiều.
Anh Tài cho biết, đi lấy mẫu có lúc được đứng trong bóng mát nhưng cũng có lúc, anh và tình nguyện viên phải làm ở điểm di động, đứng ngoài đường nắng nóng.
“Nhiều lúc bà con kêu: “Sao nắng dữ vậy?”, mình cũng chỉ biết động viên: “Cô, chú ráng lên. Tụi con mặc bộ đồ đứng đây còn thấy nóng hơn nhưng mọi người cùng chịu khó để mau chóng hoàn thành công việc, nghỉ ngơi”, anh nhớ lại.
Anh cũng ấn tượng với trường hợp gia đình 4 người (2 vợ chồng 1 trai, 1 gái), trong đó người chồng và con gái út dương tính với SASR-CoV-2. Con gái út sinh năm 2021, chỉ mấy tháng tuổi.
Cuối cùng, do bé còn quá nhỏ nên bé và mẹ được cách ly tại nhà. Người chồng phải đi cách ly, điều trị ở trung tâm. “Đi làm công việc này, chúng tôi vui nhất là ngày không có ca F0 nào”, anh nói.
Trên xe đến điểm lấy mẫu tets nhanh.
Trong đoàn tình nguyện viên của anh có cả những sinh viên. Họ một ngày ở nhà học online, ngày lại lên đường đi lấy mẫu. Cũng có người bạn anh Tài, tối qua nhận tin ông ngoại mất nhưng anh không thể về. Sáng sớm, người này vẫn lên đường để cùng đoàn hỗ trợ người dân chống dịch.
Anh cũng có một người bạn. Người này bị chủ trọ không cho về phòng do sợ có nguy cơ lây nhiễm. Tối nay lại xin về ở cùng anh.
Kết thúc ngày làm việc, họ được ăn cơm cùng các tình nguyện viên khác của tỉnh đoàn. Nhưng có hôm mệt, không ăn nổi, anh Tài chỉ muốn về đến phòng để nghỉ ngơi.
“Đêm đói quá, tôi ăn tạm mì tôm, cháo gói… cố ăn, để có sức khỏe, ngày mai lại tiếp tục công việc”, anh nói.
Gia đình nhỏ của anh có vợ và con trai đang ở cách nơi anh ở chỉ khoảng 7 km nhưng vì giữ an toàn nên anh chưa thể về thăm nhà. Đôi lúc nhớ con, anh lại chỉ biết nhờ đến những cuộc điện thoại.
Ngọc Trang