F0 đang nhẹ, tắm gội xong thì phải thở oxy là sao?

02/03/2022 14:09

Gần đây trên một số diễn đàn xuất hiện thông tin cảnh báo F0 phải kiêng tắm gội với lý do tắm gội sẽ khiến bệnh dễ trở nặng.

Cụ thể, trên diễn đàn dành cho các F0, một thành viên có người nhà mắc Covid-19 chia sẻ: "Ông xã mình bị tầm 7 ngày triệu chứng nhẹ chỉ ho và nghẹt mũi, tối của ngày thứ 7 đi tắm cái vào sốt lên 38.8 độ sau đó SpO2 giảm 2 ngày liên tục, còn 90-92 có lúc xuống 88,89.

Mình lo lắng gọi Y tế phường kêu không sao đến ngày thứ 2 sau ngày trở năng đầu tiên, mình đưa ông xã vào bệnh viện luôn, trong vòng 2 ngày ổng chuyển nặng liên tục thở từ oxy râu sang mask rồi sang dòng cao hơn tới 50-60ml mới thở nổi, phổi bị viêm và có chuyển biến nặng, bác sĩ kêu có dấu hiệu "bão cytokine" nên phải tìm thuốc ngăn chặn chuyển biến nặng hơn.

Trong phòng điều trị các bệnh nhân chuyển nặng khi nói chuyện với một số anh chị thì đa số đều chuyển nặng sau 1 trận tắm. 1 cô thì đi gội đầu vì sau 5 ngày hơi mệt do triệu chứng nhẹ tưởng không sao.

1 anh thì điều trị trong viện chuẩn bị ra viện tranh thủ tắm cái rồi về, anh khác điều trị tại nhà test nhanh thấy âm tính rồi đi tắm cái sốt lên, mệt không thở được nhà có bình oxy tự thở nhưng không ăn thua được người nhà gọi cấp cứu đưa vào viện. Hiện tại mọi người vẫn đang phải thở oxy bao gồm cả ông xã mình".

Tài khoản trên cũng đưa ra lời khuyên: "Tóm lại nếu bị nhiễm anh chị em chịu khó đừng tắm, lau người, vệ sinh phần phụ cho hết 14 ngày cho chắc... Anh em đừng chủ quan khi thấy triệu chứng nhẹ mấy ngày đầu rồi chủ quan đi tắm, đi làm việc nặng..."

f0-co-nen-tam.jpg
Ảnh minh họa

Trao đổi với VietNamNet, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định: “F0 kiêng tắm là quan niệm sai lầm”.

BS Khanh nói: “Thời tiết miền Bắc đang lạnh, người bệnh có thể tắm bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Sau đó, chúng ta mặc đồ luôn trong phòng tắm, không để tình trạng ra khỏi phòng mới mặc đồ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột”.

Bác sĩ khuyến cáo thêm, sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt hay đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn.

“Nếu mình không tắm, cơ thể mất vệ sinh, ngứa ngáy gây ra tình trạng khó chịu, mất ngủ khiến bệnh nặng thêm”, BS Khanh khẳng định.

Cũng theo BS Khanh, thời gian bản lề của COVID-19 trở nặng đó là từ 5-8 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Có những người thì đi qua dễ dàng nhưng có những người từ triệu chứng bình thường đột nhiên gặp diễn tiến nặng, có cơn bão Cytokine chứ không phải là do tắm hay gội đầu làm kích thích khiến tình trạng nặng lên nha mọi người.

Trên Tuổi trẻ, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - trưởng khoa hồi sức cấp cứu, phó giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) - cũng khẳng định không có cơ sở khoa học để kết luận tắm rửa sẽ khiến bệnh nhân bị trở nặng.

"Người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, vệ sinh cá nhân đầy đủ, giữ ấm, tránh gió lùa, đây là điều kiện tốt để nhanh khỏi bệnh", ông Hải cho hay.

Ông cũng lưu ý người bệnh không nên tắm lúc đang mệt, chỉ tắm khi bản thân thấy đủ sức khỏe.

"Giai đoạn đầu mới ốm dậy thì nên chú ý tắm nhanh từ 5-10 phút, tắm bằng nước ấm; khu vực tắm và sau tắm cần kín gió, ấm áp, tránh mất nhiệt đột ngột.

Với người bình thường không ốm tôi cũng khuyên không nên tắm khuya, với bệnh nhân càng nên thế, tranh thủ tắm lúc trời ấm áp để tránh chênh lệch nhiệt độ lớn, khi tắm nên xối nước từ từ phần chân tay rồi mới đến người, đầu, cổ để quen với nhiệt độ", ông nhắc nhở.

f0-co-nen-tam-2.jpg
Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt, nguyên giảng viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên chia sẻ trên Infonet, người đã từng điều trị cho hàng trăm F0 trong đợt dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và trong đợt dịch này tại Hà Nội, trong điều trị cho các bệnh nhân, anh chưa thấy có ai có hiện tượng mắc Covid-19 nhẹ mà khi tắm bệnh trở nặng.

BS Đạt lưu ý, trong quá trình điều trị, anh luôn lưu ý bệnh nhân nên vệ sinh thân thể sạch sẽ bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bị bệnh, nhất là ngày thứ 5-7 (thời gian bệnh bùng phát mạnh) thì nên lau rửa người nhanh bằng nước ấm, không gội đầu bằng nước lạnh.

Trong trường hợp thông tin lan truyền trên mạng mà nhiều người đang chia sẻ hiện nay cho rằng, tắm vào sốt cao và có dấu hiệu "bão cytokine", theo bác sỹ Đạt, có thể bệnh nhân này bị "cơn bão cytokine" không may tắm trùng hợp với ngày bệnh bùng phát, chứ hoàn toàn không có cơ sở để kết luận do tắm mà bị "cơn bão cytokine"

Theo nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/f0-dang-nhe-tam-goi-xong-thi-phai-tho-oxy-la-sao-tintuc812172
Copy Link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/f0-dang-nhe-tam-goi-xong-thi-phai-tho-oxy-la-sao-tintuc812172
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
F0 đang nhẹ, tắm gội xong thì phải thở oxy là sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO