F-35- 'Bom hẹn giờ' ngân sách đối với quân đội các nước châu Âu?

02/07/2023 16:44

Trong những năm gần đây, máy bay chiến đấu F-35 Lightning II do Tập đoàn Lockheed-Martin của Mỹ chế tạo đã khẳng định vị thế của mình trong hầu hết lực lượng không quân châu Âu. Tuy nhiên, chi phí vận hành F-35 đang là trở ngại và là quả “bom hẹn giờ” ngân sách quốc phòng ở những nước này.

Những ưu thế vượt trội

Hiện nay lực lượng không quân 10 nước châu Âu gồm: Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Italy, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Anh và Thụy Sĩ đang vận hành hoặc chờ bàn giao máy bay thế hệ thứ năm F-35 Lightning II. Trong khi đó, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc và Romania cũng bày tỏ ý định mua F-35.

F-35A trong biên chế của lực lượng Không quân Mỹ. Ảnh: mega-defense.fr

Sở dĩ F-35 thuyết phục được những khách hàng châu Âu khó tính bởi lẽ nó sở hữu nhiều tính năng vượt trội. Thuộc thế hệ máy bay chiến đấu thứ năm được công bố rộng rãi, F-35 có các tính năng mà các loại máy bay khác hiện nay chưa tiếp cận được, ngay cả Gripen, Eurofighter Typhoon và Rafale. Khả năng tàng hình, tổng hợp dữ liệu rất mạnh giúp F-35 hoạt động vô cùng hiệu quả, đặc biệt khi đối mặt với hệ thống phòng không hiện đại.

Sự ưu việt khác của F-35 nằm ở giá khởi điểm hấp dẫn, cùng hạng mục giá với Rafale của Pháp với mức 90 triệu USD.

Cuối cùng, F-35 nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm góc. F-35 hiện nằm trong biên chế của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ với số lượng lớn, khoảng 2.300 chiếc.

Thành công của F-35 đến thời điểm hiện tại đã vượt quá sự mong đợi của nhà sản xuất Mỹ.

“Quả bom” ngân sách nổ chậm

Tuy nhiên, thành công của F-35 có thể là nguy cơ lớn đối với quân đội châu Âu trong những năm tới. Mối đe dọa không phải nằm ở tính năng ưu việt của chiến đấu cơ này hay sự phụ thuộc vào nhà sản xuất, mà nằm ở vấn đề ngân sách.

Một nghiên cứu đăng trên trang Belisarius dành riêng cho các vấn đề quốc phòng ở Hy Lạp chỉ ra rằng, chi phí cho mỗi giờ bay của F-35 ở phiên bản A, chủ yếu được mua bởi các lực lượng không quân châu Âu, đang tiến gần ngưỡng 50.000 USD, trong khi F-16 C/D ở dưới mốc 25.000 USD.

F-35B có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng từ tàu sân bay. Ảnh: mega-defense.fr

Thật vậy, một số nghiên cứu được thực hiện bởi các cơ quan trung lập, chẳng hạn như Cơ quan thẩm định trách nhiệm của chính phủ (GAO) của Mỹ chỉ ra rằng, chi phí của một giờ bay của F-35 vượt quá 38.000 USD (so với 22.000 USD cho F-16), tính theo tỷ giá năm 2012.

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hồi tháng 3 vừa qua, Trung tướng Michael Schmidt-người chỉ đạo chương trình F-35 cho Lầu Năm góc, tiết lộ, chi phí trung bình mỗi giờ bay của F-35, ở tất cả các phiên bản cộng lại, lên tới 36.000 USD (tính theo tỷ giá USD năm 2012), tương đương gần 46.000 USD (theo tỷ giá năm 2023). Trong khi đó, tập đoàn Lockheed-Martin cách đây vài năm cam kết rằng chi phí mỗi giờ bay của F-35 chỉ ở mức 25.000 USD vào năm 2025 (tính theo tỷ giá năm 2012).

Do vậy, sở hữu một chiếc F-35A với chi phí một giờ bay gần 50.000 USD thì chỉ 10.000 giờ bay, tổng chi phí sẽ vượt quá nửa tỷ USD, cao gấp đôi giá của một chiếc F-16V, Gripen hoặc Rafale.

Áp lực ngân sách ngày càng tăng này là mối quan tâm của các nước ở hai bờ Đại Tây Dương. Không quân Mỹ lo ngại phải giảm đáng kể các khoản đầu tư trong tương lai để bù lại ngân sách thâm hụt cho việc sử dụng phi đội F-35.

Vấn đề ngân sách còn nặng nề hơn đối với các lực lượng không quân châu Âu, đặc biệt ở một số nước dành phần lớn GDP cho quốc phòng. Trên thực tế, các quốc gia này sẽ không còn dư ngân sách để bù chi phí vận hành F-35.

Ví dụ điển hình là Hy Lạp - quốc gia vừa đặt mua 20 chiếc F-35A của Lockheed-Martin và việc giao hàng sẽ được thực hiện từ năm 2029. Hy Lạp dành hơn 3% GDP cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, chi phí để kéo dài tuổi thọ của 3 chiếc F-35A, không bao gồm đạn dược, tương đương với ngân sách mua một tàu hộ vệ phòng thủ và can thiệp bao gồm cả đạn dược, hoặc 100 xe tăng hạng nặng hiện đại như Leopard 2A8.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ có chi phí mỗi giờ bay rẻ hơn một nửa so với F-35A. Ảnh: mega-defense.fr

Cần nhớ rằng, ngân sách luôn cố định. Việc tập trung nguồn lực cho một dự án đồng nghĩa với việc ngân sách các dự án khác sẽ phải thu hẹp lại. Do đó, tăng chi phí sở hữu và vận hành F-35 trong các lực lượng vũ trang châu Âu có thể làm ảnh hưởng tới chương trình hiện đại hóa quân đội các nước này trong những năm tới.

Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là trong tương lai F-35 sẽ gặp không ít khó khăn một khi hệ thống phòng không được cải tiến và ngày càng hiện đại. Khi đó, Không quân Mỹ có thể cơ cấu lại phi đội máy bay chiến đấu bằng cách tăng số lượng máy bay phản lực không người lái Loyal Wingman từ Chương trình Next Generation Air Dominance (NGAD). Đây là chương trình phát triển và trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 để thay thế các loại chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ và cả chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ kể từ năm 2025..

Với các quốc gia châu Âu, điều này chắc khó khăn hơn, nhất là khi tình trạng lạm phát ở châu Âu vẫn còn khá cao.

PHƯƠNG LINH (theo mega-defense.fr)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/f-35-bom-hen-gio-ngan-sach-doi-voi-quan-doi-cac-nuoc-chau-au-733096
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/f-35-bom-hen-gio-ngan-sach-doi-voi-quan-doi-cac-nuoc-chau-au-733096
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
F-35- 'Bom hẹn giờ' ngân sách đối với quân đội các nước châu Âu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO