F-16 Fighting Falcon có phải là 'thuốc thần' của cuộc xung đột tại Ukraine

10/02/2024 16:38

Theo cam kết từ các quốc gia phương Tây, Không quân Ukraine sẽ được chuyển giao máy bay chiến đấu đa năng hạng trung F-16 Fighting Falcon trong đầu năm 2024.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự quốc tế đều có chung nhận định rằng F-16 chỉ có thể khiến cuộc xung đột kéo dài hơn, nhưng không khả năng thay đổi cục diện chiến trường như kỳ vọng của Kiev.

F-16 nguy hiểm, nhưng chưa phải là tất cả

Theo báo cáo của tình báo Nga, nhiều sân bay trên lãnh thổ Ukraine đang được cấp tốc sửa đổi và bổ sung trang bị để chuẩn bị tiếp nhận các đơn vị máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ và đồng minh viện trợ.

Tuy nhiên, trái ngược với những tuyên bố có phần cứng rắn của các chuyên gia quân sự Nga về việc có thể phá hủy ngay các máy bay F-16 khi chúng tới Ukraine, thì điều này sẽ không dễ dàng khi đồng minh của Ukraine chắc chắn đã có sự chuẩn bị cho các kịch bản bị phía Nga tập kích.

Ukraine có thể được chuyển giao vài chục máy bay F-16 Fighting Falcon thế hệ cũ từ các quốc gia NATO. Ảnh: CNN 

Với tiềm lực và triển khai lực lượng hiện có tại các quốc gia NATO tiếp giáp Ukraine, nếu F-16 tham chiến, chúng sẽ nhận được sự hỗ trợ không chỉ từ các hệ thống tác chiến điện tử tích hợp trên máy bay, mà còn là các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của đồng minh.

Cùng với đó, không giống như việc phải sử dụng tên lửa chống radar AGM-88 HARM sửa đổi trên các máy bay theo chuẩn Liên Xô và Nga của Ukraine, máy bay F-16 có khả năng đồng bộ và nâng cao hiệu quả tác chiến đáng kể của loại vũ khí này đối phó với lưới lửa phòng không của Nga tại tiền tuyến. Với những thông tin được công bố, F-16 viện trợ cho Ukraine cũng được trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 AMRAAM với tầm bắn tối đa lên tới 180km ở phiên bản mới nhất. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động chiến thuật của Không quân-vũ trụ Nga tại mặt trận.

Dù đối thủ của F-16 chính là máy bay chiến đấu Su-35 có tính năng vượt trội hơn, nhưng rõ ràng đối thủ “Chim ưng chiến” khó đối phó hơn so với các máy bay chiến đấu Mig-29 và Su-27 cũ của Không quân Ukraine.

Một yếu tố khác cần nhắc đến là việc máy bay F-16 sẽ giúp Ukraine khai thác tối đa hiệu quả của vũ khí viện trợ chuẩn NATO như tên lửa hành trình tầm xa như Storm Shadow, SCALP hoặc bom lượn JDAM… so với việc tích hợp chúng lên các máy bay khác hệ như Su-24 hay Su-27.

"Chim ưng chiến" F-16 còn được trang bị công nghệ kết nối trao đổi thông tin bảo mật chuẩn Link 16, giúp kết nối và trao đổi thông với các đơn vị chiến đấu đồng minh trong phạm vi tác chiến. Điều này không chỉ gia tăng năng lực tác chiến của bản thân máy bay, mà còn cả các đơn vị tác chiến đồng minh.

Hiện đại đi liền yêu cầu bảo trì kỹ thuật cao

Tương tự như nhiều loại vũ khí chuẩn NATO của Mỹ và phương Tây đã được viện trợ cho Ukraine. Chúng dù có tính năng rất tốt, bắn chính xác, nhưng lại cần quy trình bảo trì, bảo dưỡng ngặt nghèo và phức tạp. Điều này cũng hoàn toàn đúng với máy bay chiến đấu F-16 viện trợ cho Ukraine.

F-16 vốn là máy bay được thiết kế tác chiến trong điều kiện quy ước. Nó không phù hợp với các sân bay dã chiến, thiếu sự chuẩn bị như các loại máy bay chiến đấu Liên Xô và Nga. Với quốc gia đang trong thời chiến và có cơ sở hạ tầng hư hại nặng như Ukraine, điều này là một bất lợi.

Cùng với đó để hoạt động hiệu quả trong không phận Ukraine, chắc chắn các đơn vị F-16 phải triển khai tại các sân bay xa về phía Tây, cách xa tiền tuyến nhằm hạn chế nguy cơ bị Nga tập kích, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cự ly bay tới vùng tham chiến bị kéo dài, không có lợi cho dòng máy bay chiến đấu hạng trung như “Chim ưng chiến”. Việc không có máy bay cảnh báo và chỉ huy trên không như trong tác chiến quy ước của máy bay F-16 khiến việc sử dụng máy bay chiến đấu này của Không quân Ukraine sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Tương tự như các loại vũ khí hiện đại được viện trợ cho Ukraine trước đó, F-16 khó có thể giúp Ukraine đảo ngược tình thế hiện tại. Ảnh: Getty

Một yếu tố quan trọng khác chính là nguy cơ lộ lọt công nghệ vào tay Nga. Khác xa với các loại trang bị khí tài mặt đất hoặc bộ binh, máy bay chiến đấu là phương tiện phức tạp chứa nhiều công nghệ bí mật nếu rơi vào tay đối thủ sẽ bất lợi không chỉ cho Ukraine, mà còn là các quốc gia NATO khi F-16 là dòng máy bay phổ biến nhất của khối quân sự này. Tại cuộc xung đột ở Ukraine, đã không ít lần phía Nga công bố những hình ảnh thu giữ gần như trọn vẹn các loại trang bị quân sự do phương Tây viện trợ để nghiên cứu và phát triển các phương án đối phó.

Cuối cùng chính là việc Ukraine chỉ được viện trợ số lượng máy bay F-16 hạn chế đủ để duy trì sức ép lên phía Nga, chứ không đủ để đối đầu sòng phẳng. Chính vì thế, giống như nhiều loại vũ khí viện trợ khác, F-16 có thể sẽ sớm “mất thiêng” khi đối đầu với lực lượng hùng hậu của Quân đội Nga.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
F-16 Fighting Falcon có phải là 'thuốc thần' của cuộc xung đột tại Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO