Tuy nhiên, sẽ khó cân đối trong năm sau nếu giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng.
Tại Hội thảo khơi thông vốn đầu tư vào ngành điện do Báo đầu tư tổ chức ngày 8/4, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong tình hình thế giới biến động mạnh, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu sơ cấp như than, dầu khí tăng cao.
Cụ thể, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn nhưng nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNGs cũng thay đổi 6-8 USD/triệu BTU thì nay lên khoảng 20 USD/triệu BTU. Giá sắt thép vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án nguồn, truyền tải điện cũng tăng.
"Các yếu tố này khiến ngành điện chịu áp lực đầu vào (đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh), trong khi giá bán đầu ra ba năm nay chưa được điều chỉnh", ông đánh giá.
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cho biết đơn vị cam kết với Chính phủ năm 2022 sẽ không tăng giá điện. "Chúng ta sẽ cân đối làm sao, chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là sau quá trình phục hồi do đại dịch COVID-19", ông Tài Anh khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dưới áp lực từ các chi phí đầu vào cao, nếu các chi phí này tiếp tục tăng thì việc cân đối đầu vào với bán điện rất khó khăn. Thậm chí, lợi nhuận năm nay đã được cân đối bằng 0 để cân đối đảm bảo mức bán điện hợp lý.
"Ở các năm sau, tập đoàn sẽ tiếp tục cân đối các khoản này nhưng nếu giá đầu vào cao cũng không thể cân đối được. Do đó, những năm tới, Chính phủ và các bộ ngành cũng cần tính toán, làm sao có giải pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích", ông Tài Anh nhấn mạnh.
Về nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, cho hay việc đảm bảo cấp điện mùa khô cho khu vực miền Bắc tới đây sẽ tương đối khó khăn. "Khả năng khó đáp ứng có thể lên 2.000-3.000 MW trong giai đoạn cuối mùa khô năm 2022", ông nói.
Theo ông Trung, trung tâm đã có nhiều giải pháp như bố trí nguồn điện để không sửa chữa vào thời điểm nắng nóng, dành nguồn nước vào thời điểm cao điểm. Ngoài ra, đơn vị cũng đã có những buổi làm làm việc với các khách hàng doanh nghiệp lớn khuyến khích tập trung sản xuất tại thời điểm đủ điện, giảm sản xuất tại thời điểm thiếu điện.
Bên cạnh đó, ông cho biết hiện nay công suất đặt của toàn hệ thống điện lên tới 77.000 MW nhưng vẫn có tình trạng thiếu điện cục bộ khi thực tế, công suất phụ tải chỉ khoảng 43.000 MW.
"Việc suy giảm hiệu suất ở các nhà máy nhiệt điện hay xảy ra vào các tháng cuối mùa khô. Nguồn năng lượng tái tạo là điện mặt trời không phát được vào buổi tối trong khi lúc này nhu cầu điện lại nhiều", ông nhìn nhận.
Ngoài ra, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cho rằng một trong những vấn đề cần tháo gỡ là quy hoạch phát triển điện lực đang theo hướng bó chặt, không có tính mở và tính động, chưa phản ánh đúng bản chất của quy hoạch điện.
"Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai các công trình lưới điện truyền tải của trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia", ông Trung nói.
Hơn nữa, ông đánh giá việc bố trí quỹ đất cho các dự án lưới điện truyền tải chưa thực sự được các cấp, ngành quan tâm, quy hoạch điện chưa phù hợp với các quy hoạch tổng thể quốc gia... dẫn đến nhiều dự án không có trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương, đặc biệt là các dự án 500 kV.
(Nguồn: Zing News)