, hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ có mặt trên SVĐ Leipzig bỗng trở nên rất yên lặng. Tiền đạo Cenk Tosun đứng ở vòng tròn trung tâm và đưa ngón tay lên miệng, ra hiệu cho họ làm thế. Tất cả các đồng đội xung quanh anh đều làm theo, người hâm mộ cũng vậy.
Rồi Tosun vẫy tay đếm: Bir, iki, üç, (một, hai, ba) rồi nhảy lên. Và những người Thổ Nhĩ Kỳ trong sân vận động đã nhảy múa và ca hát một cách hào hứng. Cách họ ăn mừng có thể tượng trưng cho nhiều điều: niềm đam mê với bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ, sự thành công của tập thể vượt lên chính mình khi không có đội trưởng và tới giải như một đội bóng yếu.
Nhưng như thường lệ, chủ nghĩa cuồng tín đã biến thành chủ nghĩa dân tộc khi màn ăn mừng kiểu hội “Bầy Sói Xám” của Merih Demirus sau khi lập cú đúp được thảo luận kín trên tất cả các trang báo Đức. Anh đã giơ 3 ngón tay thể hiện kiểu “chào sói”, một dấu hiệu của tổ chức cực đoan cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan “Bầy Sói xám” của Thổ Nhĩ Kỳ. Cách ăn mừng này bị cấm ở Pháp và Áo, nhưng ở Đức thì không. Và bây giờ họ mới bắt đầu nói về nó.
Sau trận đấu, Demirus giải thích trong cuộc họp báo rằng hành động của mình chỉ đơn giản là một niềm tự hào liên quan tới bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng chính các nhà báo từ Thổ Nhĩ Kỳ có mặt trong căn phòng ấy đều lắc đầu. Ismail Küpeli, nhà khoa học xã hội tại Đại học Ruhr Bochum cho biết: “Bạn nghe đi nghe lại sự tương đối hóa này từ Demirus, nhưng đó là một hành động thù địch và khiêu khích, đặc biệt là chống lại người Kurd và Alevis."
Đúng vào ngày đó 31 năm trước, 35 người, hầu hết là người Alevis, đã bị nhóm “Bầy SÓi xám” sát hại trong một khách sạn ở Sivas. Câu hỏi đặt ra là liệu màn ăn mừng của Demirus vào đúng ngày “kỷ niệm” đó có chủ ý hay không, rất khó để trả lời. Các chính trị gia Đức như Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser của Đảng SPD đã lên án cử chỉ của Demirus. Sau Đảng AfD, “Bầy Sói Xám” là nhóm cực hữu lớn thứ hai ở Đức, với khoảng 7000-12000 thành viên, đặc biệt khi bóng đá đang đóng vai trò quan trọng trong việc chiêu mộ thêm những cầu thủ trẻ của “Bầy Sói xám”.
Có khoảng 7 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Đức, là cộng đồng người nhập cư lớn nhất nước này. Những người Thổ có một lối sống riêng tách rời khỏi nước sở tại. Ngay cả những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Đức cũng vẫn coi mình là một người Thổ. Sự đối kháng vô hình trong cách sống và tư duy giữa người Thổ và Đức rõ ràng tới mức đến những…Việt kiều cũng có thể nhận ra. Các dòng chính trị, văn hoá của người Thổ hiện hữu trong đời sống hàng ngày trên nước Đức và khi bóng đá diễn ra, họ có thêm một sân chơi lớn.
Trước World Cup 2018, cựu tuyển thủ Đức Mesut Özil đã chụp ảnh cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong chiến dịch tranh cử của ông. Sau những tranh cãi sau đó xung quanh hình ảnh, trong đó những lời chỉ trích có thể hiểu được xen lẫn sự thù địch phân biệt chủng tộc, Özil đã tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia. Erdogan sau đó trở thành phù rể của anh trong đám cưới. Đội trưởng hiện tại İlkay Gündogan cũng đã chụp bức ảnh này vào thời điểm đó.
Trong khi đó, đội trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Calhanoglu sinh ra ở Mannheim, Đức và có tổng cộng 5 tuyển thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ khác cũng sinh ra ở Đức.
Hay HLV người Đức Stefan Kuntz đã thuyết phục được tiền vệ Salih Özcan sang chơi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cứ như một đội chủ nhà thứ 2 ở EURO. 50 ngàn khán giả đã tới cổ vũ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 trận vòng sơ loại tại Dortmund. Khi một bàn thắng được ghi vào lưới Georgia, máy đo độ cao âm thanh hiển thị 116 decibel, ngay cả những CĐV lâu năm cũng chưa bao giờ trải nghiệm sân vận động Westfalenstadion ồn ào đến vậy.
Người Thổ và tinh thần dân tộc cao ắt hẳn chưa dừng lại ở đây, nhất là khi đội tuyển quốc gia của họ đang ở trạng thái rất sung mãn.