Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell. (Nguồn: EFE) |
Ngày 13/1, sau cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng quốc phòng EU tại Pháp, ông Borrell nói: “Đây là khoản đầu tư tư nhân, một dự án được thực hiện bởi một nhóm các doanh nghiệp, trong đó có các công ty của Đức và các nước EU khác".
Theo ông Borrell, cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng và các cơ quan quản lý đang thẩm định (đầu tiên là Đức, sau đó là EU) để xác định xem liệu cơ sở hạ tầng này có thể hoạt động trong hệ thống cung cấp khí đốt của châu Âu hay không.
Quan chức ngoại giao EU cho biết, khối này không coi Dòng chảy phương Bắc 2 là cơ sở hạ tầng ưu tiên, song lưu ý "Ủy ban châu Âu và các tổ chức của EU không thể cấm các cơ sở hạ tầng được xây dựng theo các quy tắc".
Theo đó, nếu có phản ứng tích cực từ cả hai cơ quan quản lý - Đức và EU - thì cơ sở hạ tầng này sẽ hoạt động. Nếu không, sẽ không hoạt động.
Nhấn mạnh việc đưa tuyến đường ống dẫn khí đốt này vào hoạt động sẽ phụ thuộc vào tình hình Ukraine, ông Borell cho rằng: “Không thể tưởng tượng được rằng, một mặt, chúng ta đang thảo luận về việc áp đặt các lệnh trừng phạt, mặt khác, chúng ta sẽ khai trương cơ sở hạ tầng này”.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cảnh báo về việc vẽ ra mối liên hệ giữa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 và sự khác biệt với Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, Bộ trưởng Lambrecht nhấn mạnh: “Chúng ta không nên kéo Dòng chảy phương Bắc 2 vào cuộc xung đột này. Chúng ta cần giải quyết xung đột và chúng ta cần giải quyết bằng đối thoại".
Dòng chảy phương Bắc 2 gồm 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt có công suất 55 tỷ m3/năm, chạy từ bờ biển Nga, đi ngầm dưới Biển Baltic, đến Đức. Việc xây dựng hoàn tất ngày 10/9, hiện cả hai tuyến đường ống đều đã được nạp đầy khí đốt và hoàn toàn sẵn sàng hoạt động.