EU lên kế hoạch tham gia 'cuộc đua' sản xuất chất bán dẫn. Ảnh minh họa |
Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất kế hoạch huy động hàng chục tỷ euro nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn ở châu Âu và chấm dứt sự phụ thuộc của khối đối với châu Á trong lĩnh vực này.
Dự kiến, Ủy viên EU phụ trách lĩnh vực công nghiệp Thierry Breton sẽ hối thúc các nước châu Âu đưa ra những kế hoạch tương tự như ở Mỹ - nơi chính quyền Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu Quốc hội phê chuẩn kế hoạch trị giá 52 tỷ USD.
Trong trường hợp được thông qua, kế hoạch của EU có thể huy động tổng cộng 42 tỷ euro thông qua ngân sách chi tiêu hiện tại, cũng như nhờ nới lỏng những quy định hiện hành về trợ cấp công ở các nước thành viên. Mục tiêu của kế hoạch là tăng gấp đôi năng lực sản xuất chất bán dẫn ở EU từ 10% thị phần toàn cầu hiện nay lên 20% vào năm 2030.
Đề xuất sẽ cần được các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề này đang có sự khác biệt về quan điểm giữa các nước lớn như Đức, Pháp, và Italy với những nước nhỏ hơn lo ngại về việc cắt đứt chuỗi cung ứng giá trị với châu Á.
Chất bán dẫn (còn được gọi là chip) là thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, từ điện thoại thông minh đến ngành sản xuất ô tô. Đặc biệt, ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt này, sản lượng có thể tiếp tục bị sụt giảm, thậm chí phải tạm dừng sản xuất.
Hiện, việc sản xuất chip chủ yếu được thực hiện ở Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc.
Sản xuất chất bán dẫn đã trở thành ưu tiên chiến lược của EU và Mỹ, sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung, khiến các nhà máy rơi vào cảnh đình trệ và các kho hàng trống rỗng.