Theo trang Reuters, có vẻ như Liên minh châu Âu (EU) đang nới lỏng các biện pháp hạn chế xe điện do Trung Quốc sản xuất bằng cách giảm thuế đối với một số xe điện “Made in China”. Trước đó hồi tháng 7/2024, Ủy ban châu Âu đã tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cáo buộc các khoản trợ cấp mà Trung Quốc dành cho việc phát triển và sản xuất xe điện là không công bằng.
Một trong những cái tên được hưởng lợi lớn nhất từ việc giảm thuế của Liên minh châu Âu là Tesla. Nguyên nhân là bởi bên cạnh các xe được chế tạo tại Berlin (Đức), hãng vẫn đang nhập khẩu một số xe từ Thượng Hải (Trung Quốc) để phục vụ thị trường châu Âu. Tháng trước, mức thuế mà Tesla phải trả cho những sản phẩm nhập khẩu này đã giảm từ 20,8% xuống còn 9% và hiện tại con số này đã giảm thêm xuống chỉ còn 7,8%.
Tesla được Liên minh châu Âu đánh giá là có động thái hợp tác trong cuộc điều tra của EU về trợ cấp xe điện của Trung Quốc. Bên cạnh Tesla, các thương hiệu Trung Quốc khác đã hợp tác với cuộc điều tra cũng nhận được mức thuế thấp hơn. Cụ thể, mức thuế của Geely đã giảm từ 19,9% trong tháng 7/2024 xuống 19,3% trong tháng 8 và tiếp tục giảm xuống 18,8% vào tháng 9. BYD được giảm thuế từ 17,4% xuống 17%. Các công ty khác như Chery, GWM và Nio, cũng như các công ty liên doanh với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, được hưởng mức thuế tiêu chuẩn - hiện đã giảm xuống còn 20,7%.
Ngay cả những hãng xe bị Liên minh châu Âu phân loại là “không hợp tác” trong cuộc điều tra cũng đã được nới lỏng thuế. Chẳng hạn, mức thuế trừng phạt tối đa dành cho SAIC đã giảm từ 37,6% xuống 36,3% trong tháng trước và hiện còn 35,3%.
Reuters cho biết, mức thuế này đã thúc đẩy Trung Quốc đề xuất đàm phán với EU để giải quyết các tranh chấp kinh tế và thương mại. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi đã bày tỏ mong muốn tham gia đối thoại và tham vấn của nước này trong cuộc họp với Tổng giám đốc Thương mại của Ủy ban châu Âu tại Brussels.
Bộ Thương mại Trung Quốc chia sẻ thêm rằng vấn đề chống trợ cấp bằng thuế quan là một vấn đề “phức tạp”, điều này đặt ra những thách thức đáng kể trong việc đi đến thỏa thuận: "Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với châu Âu để đạt được giải pháp đáp ứng lợi ích chung của cả hai bên và phù hợp với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc-EU".
Việc Trung Quốc đề xuất đàm phán không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy sự phục hồi của mối quan hệ thương mại Trung Quốc - EU. Trước đó, quốc gia này đã tìm cách xoa dịu căng thẳng bằng cách kiềm chế áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh do châu Âu sản xuất.