Ý kiến của đại diện Phòng GD&ĐT Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định không có trường THCS nào trên địa bàn ép học sinh yếu kém không được thi vào lớp 10 hay chuyển trường vấp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh, chuyên gia. Họ cho rằng tình trạng này tồn tại nhiều năm nay.
Biến tướng của hướng nghiệp
TS Nguyễn Phương Nga (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, thời điểm này các trường THCS ở Hà Nội hối hả thực hiện công tác hướng nghiệp. Trường sẽ sàng lọc các nhóm học sinh để tư vấn có nên tiếp tục học văn hóa hay rẽ hướng sang trường nghề.
"Về lý thuyết, việc hướng nghiệp này là tìm ra hướng đi phù hợp với năng lực học sinh. Đây vốn là chủ trương đúng và hay, nhưng thực tế thực hiện ở các trường THCS hoàn toàn khác xa. Câu chuyện tư vấn hướng nghiệp ngày càng biến tướng, đi chệch mục tiêu định hướng tốt đẹp ban đầu, trở thành hành vi phản giáo dục", nữ tiến sĩ nói.
Cách đây 2 năm, lớp của con chị có 5 bạn học sinh yếu, thuộc diện mất nền tảng kiến thức, không chăm chỉ, thậm chí yêu cầu các em thuộc một đoạn thơ cũng khó. Trong cuộc họp phụ huynh giữa học kỳ 2, giáo viên chủ nhiệm thẳng thắn đánh giá học lực và khuyên phụ huynh nên tính toán thêm các phương án cho con, không nên quá kỳ vọng vào kết quả thi vào lớp 10 trường công lập.
Theo TS Nga, việc tư vấn cho phụ huynh và học sinh những hướng đi khả thi hơn không sai. Nhưng mấu chốt ở đây là cách làm của giáo viên thế nào. Việc nhận xét tiêu cực trực diện với học sinh chứng tỏ nghiệp vụ của giáo viên không ổn, hành động cố tình này khiến trẻ tự ti, thậm chí sốc. Những vụ trẻ bị sang chấn tâm lý, thậm chí tự tử có thể cũng từ những hành xử thiếu nhân văn, thiếu tính mô phạm này.
Chạy theo thành tích
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đặt câu hỏi: Đằng sau việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 là gì? Vì thành tích của giáo viên, của trường hay vì trường THCS "bắt tay" với THPT tư thục, trường trung cấp nghề để thu hút nguồn tuyển sinh?
Vị hiệu trưởng thẳng thắn, bệnh thành tích vẫn đang tồn tại ở nhiều trường, nhiều quận. Một số quận ở Hà Nội hiện vẫn đưa ra chỉ tiêu vận động trên 80% học sinh tốt nghiệp THCS đi thi lớp 10 để có thành tích so với các quận khác. Nếu trường nào tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10 thấp thì năm sau phòng giáo dục sẽ về dự giờ thường xuyên kiểm tra các giáo viên trường đó.
Hằng năm, các Phòng GD&ĐT quận, huyện sẽ thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường công để đánh giá “thành tích” của trường. Phòng đã “thống kê” thì trường THCS phải có “giải pháp thiết thực” để con số thống kê đó của trường mình được đẹp.
Đây là nguyên nhân khiến các trường, giáo viên bất chấp đạo đức nhà giáo để làm lệch mục tiêu từ hướng nghiệp sang ép học sinh không thi vào trường công lập như những câu chuyện buồn xảy ra vài ngày qua.
Giáo viên chủ nhiệm biết rõ năng lực của từng học sinh, em học yếu khi đi thi biết chắc không thể làm bài đạt điểm trên trung bình, ảnh hướng đến tỷ lệ của lớp và trường. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm thường hướng những em đó đi học ở các trường dân lập, hoặc học nghề để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường và lớp.
Để khắc phục tỷ lệ chạy đua thành tích hướng nghiệp, vị này đề xuất Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT cần bỏ tiêu chí đánh giá các quận qua số học sinh đậu lớp 10 công lập, bỏ xếp hạng các quận mỗi lần đi họp (còn xếp hạng thì còn chỉ tiêu). Em nào muốn thử sức thì cứ thi, thi không đỗ thì đi theo con đường khác vì còn nhiều con đường để thành công.
Ông cũng đề nghị bỏ việc đánh giá giáo viên chủ nhiệm qua số lượng học sinh đỗ lớp 10 công lập, qua tỷ lệ từng bộ môn trên trung bình khi làm bài thi lớp 10.
Các chuyên gia, nhà giáo đều cho rằng, muốn triệt để xử lý tình trạng ép không thi vào lớp 10, Bộ GD&ĐT cần lập đường dây nóng để phụ huynh có con trong tình trạng đó phản ánh cụ thể.
Giáo viên vì sức ép của nhà trường hoặc phòng GD&ĐT cũng có kênh chia sẻ, nhờ trợ giúp và yêu cầu nhà trường chấn chỉnh. Có như vậy mới mong nhận được thông tin thật thay vì nghe báo cáo từ cơ sở.
Hà CườngQuyền của học sinh, không ép buộc
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện đã có dư luận về việc giáo viên, nhà trường ép học sinh không đăng ký thi vào lớp 10. "Tôi đề nghị các Phòng GD&ĐT quán triệt trường THCS chấm dứt ngay tình trạng vận động học sinh không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay cũng như các năm tiếp theo (nếu có)”, ông Cương nói.
Việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau THCS, nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn đúng, không có tính ép buộc.
Phân luồng là chủ trương đúng đắn nhiều năm nay, trong đó học sinh cần được tư vấn, hướng nghiệp sớm. “Ví dụ, sức học của con như thế này và có những lựa chọn như thế này… Nhưng con chọn phương án nào là quyền của con, tuyệt đối không được tư vấn, “ép” như các báo đã nêu.
Đề nghị các hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT, UBND thành phố nếu để xảy ra sự việc. Đồng thời, nếu phát hiện trường, đơn vị nào có hiện tượng đó phải xử lý nghiêm”, ông Cương nói.