Ngày 1/4, lễ tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tổ chức tại căn nhà 47C, đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TPHCM). Từ sáng sớm, nhiều khán giả, bạn bè đến thắp hương, ôn kỷ niệm nhân ngày giỗ thứ 23 của nhạc sĩ tài hoa.
Trong ngày giỗ Trịnh Công Sơn, gia đình mở cửa tiếp đón khán giả, bạn hữu đến thắp hương tưởng niệm (Ảnh: Nam Anh).
Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - chia sẻ cảm xúc rưng rưng trước tình cảm của người hâm mộ, bạn hữu gần xa dành cho cố nhạc sĩ.
Bà Trinh cho biết điều tự hào đối với gia đình Trịnh Công Sơn là nhạc Trịnh không chỉ có giá trị tinh thần với thế hệ khán giả lớn tuổi, mà ngày nay còn được sự đón nhận của đông đảo bạn trẻ.
"Thế hệ nghệ sĩ trẻ có nhiều bạn hát nhạc Trịnh Công Sơn, điều đó rất đáng mừng. Gia đình chúng tôi luôn đón nhận tích cực những sự đổi mới của ca sĩ gen Z dành cho nhạc Trịnh. Sinh thời, anh Sơn cũng luôn thích sự đổi mới trong âm nhạc của chính anh", bà Trịnh Vĩnh Trinh nói với phóng viên Dân trí.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh xúc động khi nhạc Trịnh Công Sơn vẫn sống mãi trong trái tim nhiều thế hệ khán giả (Ảnh: Nam Anh).
Trước những tranh cãi ca sĩ gen Z làm mới nhạc Trịnh nhưng hát không rõ lời, cách luyến láy "khó cảm", bà Trinh cho rằng mỗi thế hệ sẽ có lối suy nghĩ, cách sáng tạo khác nhau phù hợp với từng giai đoạn. Do đó, người lớn không nên quá khắt khe mà hãy mở lòng với giới ca sĩ trẻ.
"Các bạn trẻ ngày nay có tư duy, sáng tạo riêng. Công chúng đón nhận, góp ý các bạn thế nào thì tôi tin các bạn cũng sẽ tiếp thu để dần dần hoàn chỉnh. Trong cuộc sống, hãy để mọi thứ xoay chuyển tự nhiên", em gái nhạc sĩ cho hay.
Theo bà Trinh, việc khán giả lớn tuổi không quen nghe ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh là điều bình thường. Vì người lớn tuổi quen nghe Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh... Lứa khán giả kế tiếp thích nghe Hồng Nhung, Cẩm Vân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Lân Nhã...
Do đó, đến thế hệ bây giờ, các khán giả trẻ dĩ nhiên hiểu và đồng cảm với những lứa nghệ sĩ đồng trang lứa.
"Một số khán giả trẻ khó cảm nhận cách hát lứa nghệ sĩ lớn tuổi, cũng như khán giả lớn tuổi không thích cách hát của nghệ sĩ trẻ. Nhưng cũng có những lớp khán giả yêu thích nhạc Trịnh bất kể mọi thế hệ ca sĩ. Với cá nhân tôi và gia đình Trịnh Công Sơn, chúng tôi luôn mở lòng với thế hệ trẻ", bà Trinh nói.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết thêm, bà đã nghe bản phối mới của Nhìn những mùa thu đi do ca sĩ Mỹ Anh thể hiện: "Tôi thấy Mỹ Anh hát nhạc Trịnh rất nhẹ nhàng, dễ thương. Tôi có hỏi con tôi, cũng là bạn cùng lứa với Mỹ Anh, và nhiều bạn trẻ khác. Các em đều nói rằng Mỹ Anh hát hay".
Em gái Trịnh Công Sơn bên vợ chồng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn (Ảnh: Nam Anh).
Trước nay, giới chuyên môn và người hâm mộ luôn đánh giá cao phần ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, có tới hàng chục tác phẩm của Trịnh Công Sơn thường bị hát sai lời như Diễm xưa, Chiều một mình qua phố, Nắng thủy tinh, Có một dòng sông đã qua đời, Một cõi đi về...
Tình trạng ca sĩ hát sai lời khiến không ít khán giả khó chịu. Thậm chí nhiều tên tuổi như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Uyên Linh, Khánh Ly... cũng từng nhầm lời ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Về vấn đề này, bà Trịnh Vĩnh Trinh cho biết việc hát nhầm ca từ không phải cố tình mà do ca sĩ chủ quan, sử dụng các tập nhạc in sai lời được lưu truyền nhiều năm.
"Các ca sĩ có thể nghe bản phối của lứa đi trước hoặc đọc lời qua các tập nhạc bị in sai lời. Tôi nghĩ lời bài hát rất dễ bị in nhầm. Điều đó không phải chuyện quá to tát. Hát sai thì có thể sửa lại thôi, không vấn đề gì", bà Trinh đưa ra quan điểm.
Nhân dịp tưởng niệm ngày giỗ thứ 23 của Trịnh Công Sơn, gia đình nhạc sĩ cũng thông báo về việc kết hợp Đại học Fulbright Việt Nam thành lập Nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Dự án có sự tham gia của đại diện gia đình Trịnh Công Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Nam (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam) cùng nhóm sinh viên gen Z mê nhạc Trịnh.
"Một trong những hoạt động chính của dự án là tập trung nghiên cứu ca từ, triết lý... trong bài hát Trịnh Công Sơn. Ngay từ lúc sinh thời, Trịnh Công Sơn luôn mong muốn nhạc Trịnh có sự đổi mới, đổi mới ra sao rất quan trọng. Do đó chúng tôi muốn thực hiện kế hoạch chuyển giao cho thế hệ trẻ.
Tôi nghĩ khi hát nhạc Trịnh, nếu nghiên cứu sâu về ca từ, người hát sẽ hiểu được lời bài hát một cách sâu sắc, từ đó hát cũng sẽ hay hơn", bà Trinh nói.
Theo Dân Trí