Trong những ngày Tết, cả gia đình sum họp tạo nên không khí ấm cúng và đầy ý nghĩa. Nhưng chắc hẳn với một vài chị em phụ nữ, bạn sẽ phải đương đầu với cả tá mâu thuẫn mà phổ biến nhất là xuất phát từ lời ăn tiếng nói. Anh em trong gia đình không hòa thuận, ganh đua nhau theo chiều hướng tiêu cực thì rất dễ nảy sinh vấn đề hơn thua, kém miếng khó chịu. Là người phụ nữ trong nhà, bạn cũng cần có chính kiến riêng, phải thật cứng rắn song cũng cần nho nhã phù hợp với không khí vui tươi ngày đầu năm. Cùng nghe lời tâm sự của V. về câu chuyện của chính gia đình mình dưới đây.
Em trai chồng mỉa mai chuyện lì xì
Bản thân V. phải công nhận rằng nhà chồng cô có 4 anh chị em nhưng tính nết mỗi người khác nhau. Chồng V. là trai trưởng, dưới anh là một cậu em trai và 2 cô em gái khác. Đặc biệt là em trai chồng của V. có tính hiếu thắng, pha với một chút gia trưởng và thường giữ lối tư duy cực kỳ bảo thủ.
"Có lẽ trong nhà em trai chồng mình chỉ nhẹ nhàng với mỗi bố mẹ, còn lại với chị anh em thì cậu ta không niềm nở, vui vẻ cho lắm. Biết là mỗi người mỗi tính nên mình thường không muốn tiếp xúc nhiều, sợ nói chuyện dăm ba câu lại cãi nhau. Từng có một mùa Tết cậu em trai chồng đùng đùng giận dỗi rồi bỏ về giữa mâm cơm, lý do chỉ vì bởi cãi cọ với vợ rồi 'giận cá chém thớt'. Nói chung kiểu người này khó để hòa hợp lắm" - V. thở dài tâm sự.
Cậu em trai chồng kinh doanh đồ gỗ ở quê, thi thoảng thì tới thăm bố mẹ. Còn vợ chồng V. trên thành phố, họ đã có với nhau một trai một gái. Tết năm nay, V. cùng chồng đã lên kết hoạch đón năm mới ở quê, vì dẫu sao ông bà nội tuổi cao, không có nhiều thời gian bên cạnh các cháu, nên dịp này là cơ hội để đại gia đình sum vầy.
V. đã chuẩn bị mọi thứ từ trên thành phố để mang về quê đón Tết cho tươm tất. Là dâu trưởng trong nhà, người phụ nữ 29 tuổi này tự ý thức trách nhiệm của mình nên cô làm từng nhiệm vụ đâu ra đấy, chẳng ai phải phàn nàn.
Nhưng tới ngày mùng 3 Tết khi con cháu tụ tập ăn một bữa cơm thì xảy ra chuyện cãi cọ. Màn phát lì xì thường được trẻ con hào hứng chờ đợi. Cô nàng V. thay mặt chồng phát lì xì cho từng người. Trong đó, cô mừng tuổi bố mẹ mỗi người 500 ngàn đồng lấy may đầu năm.
Tới lượt em trai chồng gửi lì xì, cậu đưa hẳn bố mẹ mỗi người 1 triệu rưỡi. Đồng thời, người này còn chèn thêm lời nói gây mích lòng: "Tưởng thế nào! Anh chị trên thành phố ki bo keo kiệt quá, bố mẹ còn được bao lâu nữa đâu, tiếc vài đồng bạc".
Lời nói ấy làm chồng của V. thấy tự ái, mặt đỏ bừng lên. Nhưng cũng chính lúc này, người phụ nữ thấy bản thân càng phải bình tĩnh để đương đầu.
Pha đáp trả sắc sảo của dâu trưởng khiến kẻ ích kỷ nín lặng
Với V., cô và chồng không tiếc gì tiền lì xì bố mẹ, nhưng quả thực đầu năm tiền mừng tuổi mang tính chất lấy may mắn là chính chứ số lượng nào có quan trọng. Vả lại, năm nay mọi thứ trong nhà từ đồ ăn thức uống cho tới đào quất đều một mình V. cùng ông xã sắm sửa. Chắc chắn bố mẹ cũng thông cảm và không trách móc.
Đối diện với thái độ hung hăng của em trai chồng, V. vẫn đàng hoàng, lịch sự mời cậu ta ăn bánh kẹo trong khay. Đồng thời cô nàng còn nói rõ ràng: "Lì xì ít nhiều đâu có quan trọng, bố mẹ lẫn các con cháu khỏe mạnh, ấy mới là niềm vui tuyệt vời nhất. Đây cậu thử ăn bánh kẹo chị mua trên thành phố xem có ngon không? Thấy nãy giờ ăn hạt dẻ cười nhiều thế còn gì!"
Là một lời nói nửa đùa nửa thật nhưng dường như đã chiến thắng lòng dạ ích kỷ của cậu em trai chồng. Người này cũng dần chột dạ, vì cậu ta chỉ lì xì Tết cho bố mẹ chứ trước Tết chẳng biếu nổi một đồng nào. Hơn nữa, bố mẹ chồng của V. tâm lý, đứng ra phân bua: "Nhà anh cả vẫn chu đáo nhất, sắm sửa hết mọi thứ rồi bố mẹ nhàn tênh. Anh chị ấy lì xì bao nhiêu mà chả được, cần gì so thiệt hơn cho mất vui".
Như vậy, vị thế của V. và chồng càng được khẳng định. Cô cũng không cần phải đôi co quá nhiều nữa. Điều quan trọng nhất là tấm lòng hiếu thảo, chu đáo của con dâu dành cho gia đình nhà chồng, bất chấp những lời mỉa mai ác ý của người khác.
Theo Pháp luật và bạn đọc