Em bé suýt mất bàn tay vì mẹ tự đắp thuốc chữa nọc độc sâu róm

Ngọc Hân| 14/10/2020 13:45

Việt BáoChơi trong nhà, em bé 1 tuổi không may cầm phải sâu róm. Nọc độc của sâu làm vết thương ở tay bé sưng tấy, không gập lại được.

Ngày 14/10, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nơi đây đang điều trị cho bệnh nhi cầm phải sâu róm, nọc độc sâu gây sưng bàn tay phải.

Bệnh nhi 1 tuổi, ở huyện Tâm Dương, Vĩnh Phúc. Người nhà cho biết, trước đó, bé không may cầm phải con sâu róm khi chơi ở nhà. Nọc độc của sâu gây dị ứng viêm tấy, sưng, đau bàn tay phải.

Tới đây, em bé phải trải qua 1-2 lần phẫu thuật nữa mới có thể hoạt động được bàn tay phải. Ảnh: BVCC.

Khi mới bị, gia đình nghe hàng xóm mạch đắp thuốc nam sẽ khỏi nên làm theo. Nào ngờ, vùng da bị thương ngày càng sưng to, gây đau nhiều hơn. Thấy con khóc nhiều, gia đình mới đưa đến bệnh viện.

Các bác sĩ khoa Chân thương chỉnh hình chẩn đoán, nọc độc của sâu gây viêm tấy, lan tỏa bàn tay phải của bé, không gập được.

Bệnh viện đã hội chẩn với Bệnh viện Nhi Trung Ương và mời BS.CKII. Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Trung ương về phẫu thuật phục hồi chức năng bàn tay cho bé.

Bước đầu, ca phẫu thuật thành công. Tới đây, em bé phải trải qua 1 – 2 lần phẫu thuật nữa để nối gân, chuyển gân nhằm lấy lại chức năng vận động bàn tay phải.

Con sâu róm.

Sâu róm có hình dạng cơ thể giống như con giun nhưng màu sắc sặc sỡ, chi tiết lạ, có gai và lông để ngụy trang và tự vệ. Khi bị chạm vào, chúng xù lên những chùm lông hoặc gai để tấn công. Gai sâu có dạng đầu nhọn hoặc phân nhánh, có thể gây độc trực tiếp hoặc nối với hạch chứa nọc độc ở chân.

Những cái lông chích của sâu róm trông giống như sợi thủy tinh có thể tự gãy rời khỏi thân sâu, bám trên da người và gây triệu chứng ngộ độc. Lông sâu trên da không bị thoái biến đi mà mắc lại suốt cả năm sau khi bị ngộ độc, gây ra những cơn đau bất chợt trong suốt thời gian này, đặc biệt nguy hiểm khi ở mắt. Đáng lưu ý là sâu róm có thể gây bệnh cảnh nặng, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Hiện người ta chưa biết nhiều về thành phần nọc độc của sâu róm, vì có quá nhiều loài mà nọc độc của mỗi loài này đều khác nhau nên gây khó khăn cho việc nghiên cứu. Các độc tố đã được phát hiện có tính chất không bền với nhiệt độ cho thấy bản chất chúng là protein hoặc polypeptide. Người ta cũng tìm thấy histamin và serotonin trong thành phần độc tố của một số loài sâu róm. Điều này giải thích nguy cơ phản ứng dị ứng nặng có thể xuất hiện.

Khi bị sâu bám nên cẩn thận dùng que để lấy sâu ra, phủi sạch các lông gai thấy được, dùng băng dính dán lên vùng da tiếp xúc với sâu róm để lấy sạch các lông nằm sâu, còn sót lại. Sau đó nhẹ nhàng rửa sạch da bằng nhiều nước và xà phòng. Đắp lạnh để làm giảm sưng và giảm đau. Đối với gai mắc ở hầu họng và thực quản phải dùng thuốc tê cho bệnh nhân mới có thể lấy gai ra được.

Không có thuốc giải độc cho các trường hợp ngộ độc do sâu róm. Các bác sĩ khuyến cáo, khi con trẻ không may chạm phải sâu róm cha mẹ hãy đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đừng nên tự điều trị theo mạch bảo, lời đồn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Em bé suýt mất bàn tay vì mẹ tự đắp thuốc chữa nọc độc sâu róm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO