Người bệnh là em bé H.T.T.L 6 tuổi, xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. BS.CKI Phạm Văn Anh, Trượng khoa Y học cổ truyền – phục hồi chức năng, Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) chẩn đoán, bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải. Đây là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính.
Bác sĩ Anh cho biết, trước đây, bệnh liệt dây thần kinh thường xảy ra nhiều vào mùa đông xuân, nguyên nhân thường do lạnh chiếm 80%. Tuy nhiên, năm nay bệnh lại tăng đột biến vào mùa nắng nóng, đặc biệt đối với trẻ em do sử dụng điều hòa.
Khi bị bệnh, trẻ có biểu hiện mắt nhắm không kín, miệng méo lệch về một bên. Tỷ lệ phục hồi bệnh từ 70-100%. Nếu nhẹ có thể khỏi sau 2-6 tuần, còn lại khỏi sau 2-3 tháng. Trường hợp không được trị kịp thời và đúng cách, trẻ có thể bị liệt mặt, miệng méo vĩnh viễn.
Trường hợp của bé L. do được chẩn đoán, điều trị sớm bằng phương pháp y học cổ truyền-phục hồi chức năng kết hợp với y học hiện đại, sau 14 ngày điều trị bé đã tỉnh táo, ăn ngủ tốt, mắt nhắm kín và miệng đã hết méo. Hiện bé đã phục hồi hoàn toàn và được xuất viện.
Theo bác sĩ Anh, để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7, cha mẹ cần đảm bảo cơ thể trẻ luôn được giữ ấm, tránh để trẻ bị lạnh. Đối với không gian cần bật điều hoà ban đêm, các gia đình chú ý hẹn giờ điều hòa hoặc tắt khi nhiệt độ phòng đã mát. Trước khi rời phòng, nên tắt máy, mở cửa để điều hòa không khí giữa bên trong và bên ngoài.
Nhiệt độ thích hợp trong phòng điều hòa không cách biệt quá 5-7 độ C so với ngoài trời, không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp trong thời gian dài. Phòng máy lạnh có trẻ em chỉ nên đặt từ 26-28 độ C.
Ban đêm khi đi ngủ nên điều chỉnh lại nhiệt, tránh để trẻ nằm thẳng luồng gió dễ gây mắc bệnh đường hô hấp. Luôn đắp chăn mỏng trên bụng, giữ ấm lỗ chân lông. Việc mặc quần áo cho trẻ cũng cần lưu ý. Tốt nhất nên chọn quần áo có chất liệu cotton, dễ thấm mồ hôi giúp trẻ có giấc ngủ ngon, tránh việc ngấm ngược mồ hôi trở lại khiến trẻ bị lạnh.