Sa thải nhân lực rồi gọi họ quay lại
Tuần trước, Elon Musk đã sa thải một phần lớn công ty, khiến cho nhiều phòng ban bị ảnh hưởng. Twitter Ấn Độ là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong công ty khi chỉ còn 10 nhân viên làm việc tại trụ sở sau lệnh sa thải từ CEO mới.
Tuy vậy, chỉ vài ngày sau đó, một số nhân sự mới bị sa thải đã được yêu cầu quay trở lại, với lý do công ty đánh giá sai năng lực và tầm quan trọng của họ trong công việc.
Rao bán tick xanh
Bên cạnh đó, Elon Musk đã bắt tay vào thực hiện lý tưởng biến Twitter thành “nguồn tin trung thực nhất thế giới” với việc bán dấu tick xanh, dấu hiệu của những tài khoản đã được xác minh nhân dạng, với giá 8 USD trong dịch vụ Twitter Blue.
Quyết định này của vị tỉ phú công nghệ đã ngay lập tức đưa mạng xã hội này vào hỗn loạn khi hàng loạt người dùng mua dịch vụ này để đổi tên theo ý thích. Đã có nhiều tài khoản bị khóa sau khi đổi tên thành Elon Musk, thể hiện sự yếu kém trong việc xác minh người dùng của mạng xã hội “chim xanh”.
Để chống lại tình trạng này, Elon Musk đã ra yêu cầu tất cả các tài khoản để tên người khác phải có từ “nhại” (parody) trong tên tài khoản, thay vì trong thông tin như trước đây. Ngày 11.11, dịch vụ Twitter Blue đã tạm ngừng hoạt động và sẽ chạy trở lại vào “cuối tuần sau”, theo thông báo của Elon Musk vào ngày 12.11.
Ra mắt và thu hồi tick xám
Bên cạnh tick xanh, Twitter đã tung ra một dấu kiểm thứ hai mới cho các tài khoản với nhãn dán “chính thức” (official) màu xám.
Nhưng ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, công ty đã rút lại các dấu tick này và “chuyển cho các tổ chức thương mại và chính phủ”, nhằm tránh gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử quan trọng của nước này.
Sau cuộc bầu cử, Twitter đã bắt đầu triển khai dấu tick xám tới các tài khoản công ty và tổ chức trên Twitter the Coca-Cola, The New York Times. Được biết, dấu tick xám này chưa hướng tới các tài khoản cá nhân.
Twitter có thể phá sản?
Bên cạnh các quyết định trên, Elon Musk còn được cho là đã nói với các nhân viên Twitter về việc công ty có thể sẽ phá sản.
Vị giám đốc yêu cầu mọi nhân lực của mạng xã hội này tập trung làm việc tại văn phòng, xáo bỏ chế độ làm việc từ xa vì lý do công ty đang phải đối mặt với nhiều áp lực và nhân viên phải “làm việc với cường độ lớn” trong thời gian sắp tới.
Trước đây, Twitter là một trong những công ty công nghệ đi tiên phong trong việc cho nhân viên làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch.