Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo vào ngày 17/5 rằng 5 năm tới gần như chắc chắn sẽ có thời tiết nóng kỷ lục, do biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino.
El Nino, La Nina là 2 nửa của chu kỳ dao động phương Nam (ENSO) có ảnh hưởng lớn đến các kiểu khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới. ENSO là sự dao động tự nhiên nhiệt độ đại dương ở trung tâm và phía đông xích đạo Thái Bình Dương, cùng với những thay đổi trong khí quyển. Tiến bộ khoa học về khả năng mô hình hóa hiện tượng này giúp dự đoán trước trong khoảng từ một đến 9 tháng trước khi sự kiện diễn ra, tạo cơ hội chuẩn bị cho các mối nguy hiểm liên quan như mưa lớn, lũ lụt và hạn hán.
Các mô hình của WMO ước tính khả năng xảy ra El Nino trong năm nay lên đến 80%. Kết hợp biến đổi khí hậu và El Nino sẽ “đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng thấy”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết trong một thông cáo báo chí. “Tình trạng sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng", Tasslas cho biết.
Sẽ xuất hiện năm nóng nhất trong lịch sử
WMO đang ước tính rằng có 98% khả năng một trong 5 năm sắp tới sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Cũng có 98% khả năng nhiệt độ trung bình trong toàn bộ thời kỳ 5 năm sẽ nóng hơn so với 5 năm trước 2023.
Đầu năm nay, cơ quan khí tượng này đã thống kê 8 năm vừa qua là chuỗi 8 năm nóng nhất từng ghi nhận. Chỉ trong vài năm qua, thế giới đã chứng kiến những thiệt hại đáng kinh ngạc do nhiệt độ khắc nghiệt gây ra.
Năm 2021, đợt nắng nóng mùa hè khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận ở Bắc Mỹ đã khiến các con đường bị cong vênh và gây ra sự gia tăng đột biến số ca cấp cứu ở Mỹ. Năm 2022, Trung Quốc hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục diện rộng và kéo dài hơn 70 ngày, có thể là đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận trên thế giới, theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera.
Nhiều nước châu Á trải qua đợt nóng kỷ lục năm 2022. Ảnh: Bloomberg. |
Cũng vào năm ngoái, một đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 7 lần đầu tiên khiến nhiệt độ ở Vương quốc Anh, đất nước nổi tiếng mát mẻ và nhiều mây, tăng vọt lên trên 40 độ C. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng này gần như không thể xảy ra ở Anh nếu không có biến đổi khí hậu.
Tất cả những đợt nóng bất thường này xảy ra bất chấp một số tác động làm mát của hiện tượng La Nina, kéo dài bất thường từ tháng 9/2020 đến tháng 3 năm nay. Khi xảy ra El Nino, bề mặt Thái Bình Dương trở nên ấm áp hơn bình thường, đặc biệt là ở đường xích đạo và dọc theo bờ biển Nam Mỹ và Trung Mỹ. La Nina là hiện tượng ngược lại, khi nhiệt độ đại dương dọc theo nửa phía đông của vùng nhiệt đới Thái Bình Dương giảm.
Thái Bình Dương nhiệt đới hiện đang ở trạng thái trung hòa ENSO, nghĩa là không nóng lên hay lạnh đi. Các dự đoán từ mô hình và đánh giá của chuyên gia WMO cho thấy xác suất El Nino bắt đầu từ tháng 5-7 vào khoảng 60%. Xác suất này sẽ tăng lên 60-70% trong khoảng từ tháng 6-8 và khả năng cao là El Nino sẽ kéo dài đến mùa đông năm 2023. Khả năng để La Nina tái phát triển trong ít nhất 6 tháng tới gần như bằng 0.
WMO cho biết có thể mất tới một năm trước khi El Nino bắt đầu ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu, có thể vào năm 2024.
Nhiệt độ toàn cầu tạm vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C
Khi tác động làm nóng của El Nino bắt đầu, nhiệt độ có thể sẽ lên đến mức kỷ lục. Hiện có 66% khả năng là trong ít nhất một năm từ 2023-2027, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hay trước khi quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí nhà kính để làm nóng hành tinh, theo WMO.
Nhiệt độ cao gây nguy hiểm cho những người phải làm việc ngoài trời. Ảnh: Thụy Trang. |
Mức tăng 1,5 độ C là vấn đề nghiêm trọng. Thỏa thuận khí hậu Paris cố gắng giữ cho nhiệt độ không vượt quá ngưỡng này. Cho đến nay, hành tinh đã ấm lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đây là nguyên nhân chính gây ra thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay. WMO dự đoán rằng thế giới sẽ chỉ tạm thời vượt quá ngưỡng 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới.
“Báo cáo của WMO không có nghĩa là chúng ta sẽ vĩnh viễn vượt quá mức 1,5 độ C được xác định trong thỏa thuận Paris, vốn đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, khả năng ngày càng cao là chúng ta sẽ tạm thời vi phạm mức 1,5 độ C”, Taalas cho biết trong thông cáo báo chí.
Cơ quan này lưu ý, nếu vào năm 2015, khả năng thế giới có nhiệt độ trung bình trên 1,5 độ C gần như bằng 0. Và vào năm 2021, khả năng này chỉ là 10%.