Lũ lụt chết người xảy ra các khu vực ở Đông Bắc Mỹ, khiến cư dân mắc kẹt trong nhà và cướp đi sinh mạng của ít nhất một phụ nữ bị dòng nước xiết cuốn trôi, CNN đưa tin hôm 11/7.
Lũ lụt khắc nghiệt hơn
Các con sông ở Vermont đã dâng cao nhanh chóng trong trận mưa xối xả hôm 10/7, lên mức chưa từng thấy kể từ cơn bão Irene năm 2011.
Hôm 9/7, lượng mưa hơn 19 cm đã đổ xuống West Point, bang New York, chỉ trong 6 giờ - đánh dấu trận mưa nghìn năm có một đối với khu vực này - theo phân tích dữ liệu của CNN từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia.
Trận mưa nghìn năm có một tức là trận mưa dữ dội, chỉ xảy ra trung bình một lần trong 1.000 năm
Những trận mưa như trút làm ngập lụt nhiều khu vực của Douglas Ave., ở North Providence, Rhode Island, Mỹ, hôm 10/7. Ảnh: USA Today. |
Ông Michael E. Mann, nhà khoa học khí hậu và giáo sư nổi tiếng tại Đại học Pennsylvania, cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu đang tạo điều kiện thuận lợi cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn như mưa lớn và lũ lụt ở vùng Đông Bắc.
“Thời tiết vẫn là thời tiết. Mưa, lũ lụt vẫn xảy ra”, ông Mann nói với CNN. “Điều đáng nói là biến đổi khí hậu làm gia tăng áp lực, vì vậy khi mưa lớn, chúng khiến lượng mưa lớn hơn nữa”.
Theo nhà khoa học, một tác động khác đáng kinh ngạc hơn việc khủng hoảng khí hậu có thể dẫn đến những hiện tượng mưa cực đoan này, và đó là chủ đề đang dẫn đầu trong nghiên cứu khí hậu: Dòng khí có thể bị “mắc kẹt” ở những vị trí dẫn tới kéo dài các loại sự kiện cực đoan này.
Dòng khí được đề cập ở trên là dòng không khí chuyển động nhanh trong bầu khí quyển mở ra các hệ thống thời tiết trên toàn cầu. Điều quan trọng là nó được thúc đẩy bởi sự khác biệt lớn về nhiệt độ giữa xích đạo và các cực.
Tuy nhiên, hành tinh không nóng lên như nhau ở tất cả địa điểm, ông Mann giải thích. Chẳng hạn, Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn nhiều so với Lower 48 (thuật ngữ chỉ 48 tiểu bang vùng hạ của Mỹ), “làm giảm chênh lệch nhiệt độ từ xích đạo đến cực”.
Các nhà khoa học nghi ngờ rằng sự giảm chênh lệch nhiệt độ này đang thay đổi cách hoạt động của dòng khí.
“Về cơ bản, dòng khí bị đình trệ và các kiểu thời tiết đó vẫn giữ nguyên - những trung tâm áp suất cao và thấp đó vẫn giữ nguyên vị trí. Và chúng ta đang chứng kiến nhiều hơn những kiểu dòng tia khí lượn sóng, mắc kẹt này có liên quan đến những điều kiện thời tiết cực đoan dai dẳng, cho dù đó là nắng nóng, hạn hán, cháy rừng hay lũ lụt”, ông Mann nêu rõ.
Nắng nóng chết người
Khi vùng Đông Bắc Mỹ đang vật lộn trong mưa lũ, nắng nóng nguy hiểm đe dọa các khu vực khác trên thế giới. Nhiệt độ đang tăng cao ở Tây Nam Mỹ trong tuần này, nơi Phoenix có thể phá kỷ lục về số ngày liên tiếp trên 110 độ F (43 độ C).
Một người đi bộ dọc theo Roosevelt Row ở Phoenix vào ngày 5/7. Ảnh: USA Today. |
Tuần trước, nhiệt độ trung bình hàng ngày của hành tinh tăng lên mức kỷ lục, theo dữ liệu từ hai cơ quan khí hậu ở Mỹ và châu Âu. Các nhà khoa học khí hậu nói với CNN rằng nhiệt độ toàn cầu có thể cao nhất trong ít nhất 100.000 năm qua.
Trong khi đó, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) nhận thấy rằng tháng trước là tháng 6 nóng nhất với “biên độ đáng kể” so với kỷ lục trước đó, được thiết lập vào năm 2019.
Với mức nhiệt cao bất thường đó, các nhà khoa học lo ngại rằng năm 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Giáo sư Mann nói rằng El Niño đang “thêm dầu vào lửa”.
El Niño, một hiện tượng ấm lên ở Thái Bình Dương, đang kết hợp với khủng hoảng khí hậu “và hậu quả là mức nhiệt kỷ lục mới ở quy mô hành tinh”.
Tuy nhiên, ông Mann cho rằng nếu không có khủng hoảng khí hậu do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, thì “chúng ta sẽ không chứng kiến những sự kiện cực đoan này”.
“Tất cả kết hợp với nhau”, vị giáo sư phân tích. “Sự nóng lên đều đặn kết hợp với El Niño; các sự kiện thời tiết khắc nghiệt liên quan đến các điều kiện dòng khí thay đổi đó, tất cả sẽ kết hợp lại với nhau trong một cơn bão hậu quả hoàn hảo, chính thời tiết cực đoan và chết chóc thực sự tàn khốc mà chúng ta đang chống chịu ở đây, ngay bây giờ”.