Arsenal đang trải qua quãng thời gian tươi đẹp nhất kể từ sau chiến tích bất bại vĩ đại tại Premier League 2003-04. Mùa giải 2022-23 vừa qua chứng kiến bước tiến nhảy vọt của "Pháo thủ" thành London. Từ vị thế đội bóng nằm ngoài top 4 mùa trước, thầy trò Mikel Arteta dẫn đầu trên bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh trong phần lớn thời gian mùa giải.
Thách thức Man City, đội bóng bằng "cú ăn ba" (vô địch Premier League, FA Cup và Champions League) đã chứng minh sự thống trị tuyệt đối không chỉ tại xứ sở sương mù mà trên toàn cõi châu Âu, cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Arsenal.
Bất chấp kết cục thất bại trước Man Xanh, sự bùng nổ ở mùa giải 2022 - 2023 đang mở ra cho "Pháo thủ" cơ hội trở lại vị thế CLB hàng đầu, thậm chí vươn tới đẳng cấp thống trị như 20 năm trước.
Không tốn thời gian phân tích hay cân nhắc, "Pháo thủ" thành London lao vào kỳ chuyển nhượng hè bằng những thương vụ mạnh mẽ, giàu tham vọng. Đội chủ sân Emirates đánh bại Real Madrid để đón chào tân binh trị giá 60 triệu bảng Kai Havertz từ Chelsea.
Họ cạnh tranh sòng phẳng và thậm chí chiếm thế thượng phong trước Man City trong cuộc đua giành chữ ký của Declan Rice, tiền vệ được West Ham hét giá trên 100 triệu bảng. Và Arsenal đang tiến gần đến thỏa thuận trị giá 40 triệu bảng với hậu vệ trẻ Jurrien Timber của Ajax Amsterdam.
Thành công hay thất bại của một thương vụ chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời xác đáng, song tính hợp lý của cả ba thương vụ Arsenal đang theo đuổi đều dễ dàng nhận ra.
Thứ nhất là Kai Havertz. Tài năng của cầu thủ này được đánh giá rất cao. Không phải ngẫu nhiên Chelsea từng chi tới 75 triệu bảng để có Havertz từ Leverkusen. Sự sa sút của tài năng người Đức trong mùa giải vừa qua phần nào bị ảnh hưởng bởi môi trường hỗn độn ở Stamford Bridge.
The Blues quyết định cải tổ và Arsenal nhanh chân tận dụng cơ hội để có Havertz. Gã khổng lồ Real Madrid, bậc thầy trên thị trường chuyển nhượng cũng muốn có tiền vệ người Đức, chứng tỏ giá trị của Havertz, nhưng Arsenal quyết tâm và mạnh bạo hơn.
Nếu như đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha chỉ đưa ra đề nghị 40 triệu bảng thì "Pháo thủ" đặt lên bàn đàm phán số tiền cao gấp rưỡi. Chelsea gật đầu ngay tắp lự!
Về mặt chuyên môn, Havertz là mẫu tiền vệ tấn công toàn diện, giàu kỹ thuật và sở hữu cảm quan không gian nhạy bén, do đó tương thích cùng triết lý kiểm soát bóng của HLV Arteta. Vị trí sở trường của cầu thủ người Đức là tiền vệ tấn công lệch trái hoặc "số 9 ảo", đúng hai vị trí Arsenal cần tăng cường.
Mùa giải vừa qua, "Pháo thủ" công phá hàng thủ đối phương chủ yếu từ bên phải, với sự hiện diện của nhạc trưởng Martin Odegaard. Bên trái của Arsenal đang thiếu một tiền vệ giàu tính sáng tạo và khả năng liên kết như tiền vệ người Na Uy.
Havertz là lựa chọn lý tưởng. Ngoài ra, cầu thủ này còn có thể trám vào vị trí của Gabriel Jesus, trung phong xuất sắc nhưng phải vắng mặt thời gian dài ở mùa giải vừa qua vì chấn thương.
Thứ hai, quan trọng nhất, là Declan Rice. Việc West Ham hét giá 120 triệu bảng và cả Man City lẫn Arsenal đều nhảy vào tranh đua khốc liệt để có chữ ký tiền vệ này là minh chứng rõ nhất cho tài năng của Rice.
Về phần Arsenal, sự ra đi của Granit Xhaka còn Thomas Partey vừa bước qua tuổi 30 và thường xuyên dính chấn thương, việc chiêu mộ thủ quân West Ham không đơn thuần là sự thay thế mà có thể kỳ vọng là phiên bản nâng cấp để tuyến giữa "Pháo thủ" càng mạnh mẽ hơn.
Thứ ba, Jurrien Timber, cậu học trò HLV Erik ten Hag rất muốn kéo từ Ajax sang Man Utd nhưng bất thành. Trưởng thành từ lò Ajax, không ngạc nhiên khi Timber là mẫu hậu vệ giỏi cầm bóng, thậm chí anh còn có xu hướng dâng cao hỗ trợ tấn công.
Trở lại một chút với mùa giải 2022-23, sự sa sút của Arsenal bắt đầu từ chấn thương của trung vệ lệch phải William Saliba vào giữa tháng 3. Phương án thay thế Rob Holding không giỏi cầm bóng, thế nên các đợt lên bóng bên phải của "Pháo thủ", như đã đề cập là hướng tấn công chính, mất đi sự trơn tru.
Bằng chứng là từ tháng 4, ngòi nổ Saka hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn khi chỉ có 2 bàn trong 10 trận cuối mùa giải tại Premier League. 28 trận trước đó, tiền đạo lệch phải này ghi 12 bàn.
Jurrien Timber sẽ là lựa chọn "trơn tru" hơn nếu Saliba vắng mặt. Không những thế, nếu chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ, bộ ba Gabriel - Saliba - Timber cũng đem đến cho Pháo thủ thành London khả năng kiểm soát bóng tuyệt hảo nơi hậu tuyến.
Tổng cộng, ước tính Arsenal sẽ chi ra tới 200 triệu bảng cho 3 tân binh vừa nêu. Số tiền khổng lồ này chắc chắn khiến bất cứ đội bóng nào cũng phải đắn đo suy tính, đặc biệt trong bối cảnh Luật công bằng tài chính (FFP) của cả UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) và Premier League luôn sẵn sàng trừng phạt bất cứ đội bóng nào lạm chi.
Thế nhưng đội bóng nổi tiếng tằn tiện như "Pháo thủ" thành London lại duyệt chi rất nhanh chóng và dứt khoát, chứng tỏ họ đã có sự chuẩn bị từ trước và là một phần kế hoạch dài hơi được thiết kế bởi những chiến lược gia tài ba.
HLV Mikel Arteta dĩ nhiên góp dấu ấn lớn vào sự phát triển thần tốc của Arsenal. Nhưng bên cạnh nhà cầm quân tuổi trẻ tài cao người Tây Ban Nha, không thể không nhắc đến nhân vật có thể ví là bậc kỳ tài sau rèm trướng của "Pháo thủ" thành London: Giám đốc kỹ thuật Edu.
Đối với người hâm mộ "Pháo thủ", Edu không hề là cái tên xa lạ. Cựu tiền vệ người Brazil từng khoác áo Arsenal từ năm 2001-2005, với 127 lần ra sân trên mọi đấu trường, và là thành viên của thế hệ Bất khả chiến bại (The Invincibles) vĩ đại 2003-2004.
Mùa đông 2018, Raul Sanllehi, người đứng đầu bộ phận bóng đá (Head of football) của Arsenal, hiện là Giám đốc bóng đá (Director of Football) Barcelona, đi tìm Giám đốc kỹ thuật (Technical director), mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện bộ máy quản lý chuyên môn cho đội chủ sân Emirates.
Tuyển trạch viên trưởng Sven Mislintat tin rằng Giám đốc điều hành Ivan Gazidis sẽ chọn mình cho vị trí này, nhưng Sanllehi phản đối. Nhà quản lý người Tây Ban Nha cho rằng Mislintat chưa đáp ứng đủ tiêu chí, khiến ông này bất mãn và quyết định ra đi. Arsenal bắt đầu quá trình tuyển dụng Giám đốc kỹ thuật đầu tiên trong lịch sử CLB.
Vị trí mới này sẽ có trách nhiệm xây dựng chiến lược trung hạn và dài hạn cho đội một. Trong khi huấn luyện viên trưởng tập trung vào mùa giải đang diễn ra và những trận đấu tiếp theo, Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) đưa ra chiến lược nhân sự dựa trên triết lý của đội bóng.
GĐKT phải đưa ra kế hoạch chi tiết cho từng vị trí, điều phối mạng lưới tuyển trạch viên tìm kiếm tài năng và liên hệ mật thiết với Học viện đào tạo cầu thủ trẻ của đội bóng để xác định những tài năng hứa hẹn.
Arsenal cũng kiếm tìm vị GĐKT có khả năng phân tích số liệu và kinh nghiệm đã được chứng minh trong lĩnh vực hiệu suất cao - làm việc chặt chẽ với bộ phận y tế, thể chất và tâm lý. Trong bóng đá, kinh phí đầu tư vào tài năng rất lớn, vì vậy điều quan trọng hơn hết là phải bảo vệ và tối đa hóa giá trị những tài năng mang đến.
Danh sách nửa tá ứng viên được lập ra. Edu đáp ứng nhiều tiêu chí nhờ quãng thời gian làm việc tại Corinthians và CBF (Liên đoàn bóng đá Brazil). Trong 5 năm làm Giám đốc thể thao (GĐTT) tại Corinthians, gã khổng lồ với 25 triệu người hâm mộ tại xứ sở samba, Edu góp công lớn giúp đội bóng trải qua giai đoạn vàng son.
Corinthians đăng quang giải vô địch quốc gia Brazil, vô địch Copa Libertadores lần đầu tiên trong lịch sử và giành chiến thắng bất ngờ trước Chelsea để giành chức vô địch FIFA Club World Cup. Tại CBF, ông cũng ghi dấu ấn trong chiến tích vô địch Copa America 2019 của đội tuyển Brazil.
Đối thủ nặng ký của Edu là Monchi, kiến trúc sư cho thành công kéo dài hàng thập kỷ của Sevilla. So với Edu, Monchi giàu kinh nghiệm quản lý bóng đá tại châu Âu hơn. Tuy nhiên, rốt cuộc Monchi chọn trở lại Sevilla sau thời gian làm việc tại AS Roma.
Edu trở thành ứng cử viên số một. Không chỉ vậy, ban lãnh đạo Arsenal vẫn đề cao Edu hơn Monchi ở khả năng thích ứng với triết lý và mô hình quản lý của đội bóng hơn.
Cuối cùng, tháng 7/2019, Edu được bổ nhiệm. Ban đầu ông còn thiếu kinh nghiệm chuyển nhượng tại châu Âu, do đó cựu tiền vệ người Brazil sẽ cùng Unai Emery, HLV trưởng Arsenal thời điểm đó, thảo luận cùng nhau để xác định các mục tiêu chuyển nhượng.
Sanllehi và chuyên gia làm hợp đồng Huss Fahmy đảm trách nhiệm vụ đàm phán. Edu vẫn có mặt trong các cuộc đàm phán, nhưng chỉ để thảo luận các vấn đề chuyên môn: Tại sao Arsenal nên mua cầu thủ này và ngược lại, tại sao cầu thủ này chọn Arsenal.
Bộ máy phân quyền là HLV trưởng, GĐKT, Trưởng học viện (Per Mertesacker) và chuyên gia hợp đồng (Fahmy) sẽ báo cáo trực tiếp cho Sanllehi. Kết cấu dần chuyển dịch khi lần lượt Sanllehi, Fahmy và HLV Unai Emery ra đi.
Quyền lực, đồng thời là trách nhiệm, được trao cho Edu và HLV Mikel Arteta nhiều hơn, tạo thành bộ đôi tả phù hữu bật đưa Pháo thủ thăng hoa. Cách thiết lập quyền lực song song này tương tự vị trí của Txiki Begiristain và Pep Guardiola tại Man City.
Riêng cựu tiền vệ người Brazil, từ vị trí Giám đốc kỹ thuật, tháng 11/2022, ông được thăng chức thành Giám đốc thể thao (Sporting Director), vị trí phụ trách khâu chuyển nhượng và chịu trách nhiệm tổng thể tại học viện.
Nếu như tài nghệ cầm quân của Mikel Arteta được thể hiện qua những chiến thắng giòn giã liên tiếp trên sân cỏ thì năng lực quản lý của Edu giúp cho nhà cầm quân người Tây Ban Nha có trong tay đội hình trẻ trung, tài năng, giàu tham vọng và tuyệt đối nghiêm túc về kỷ luật.
Ưu tiên hàng đầu của Edu là thị trường chuyển nhượng. Sau khi giải tán phần lớn bộ phận tuyển quân trước đó, ông đang làm việc với một nhóm nhỏ, tập trung mạnh vào phân tích video và dữ liệu do chính thành viên cung cấp thay vì sử dụng tài nguyên của bên thứ ba.
Jason Ayto giữ vai trò là người phụ trách tuyển cầu thủ cho CLB, Mark Curtis là nhân viên tuyển quân đội một và Ben Knapper là quản lý cho mượn cầu thủ. Trên thực địa, Edu đã giữ lại Thomas Pasieczny ở khu vực Đông Âu, cũng như Jonathan Vidalle và Everton Gushiken ở Nam Mỹ.
Quyết định giữ Vidalle và Gushiken phản ánh việc các cầu thủ Nam Mỹ dễ dàng có được giấy phép lao động tại Anh hơn sau Brexit, dựa vào hệ thống tính điểm mới sẽ cộng điểm cho các cầu thủ ra sân tại giải quốc nội, khoác áo đội tuyển trẻ quốc gia và tham dự các giải đấu châu lục như Copa Sudamericana.
Việc tái cấu trúc đội ngũ tuyển trạch viên của Edu được coi là quyết định táo bạo và đem đến thành công vượt bậc. Hãy nhìn kết quả trên thị trường chuyển nhượng. Mùa hè 2019, mùa hè đầu tiên Edu trở lại Arsenal, đội bóng này chiêu mộ hai tài năng trẻ William Saliba và Gabriel Martinelli.
Mùa hè 2020, hai bản hợp đồng đắt giá nhất của đội bóng này là Gabriel (23 triệu bảng) và Thomas Partey (45 triệu bảng). Mùa hè 2021, 145 triệu bảng được chi ra để chiêu mộ Ben White, Martin Odegaard và Aaron Ramsdale. Đến mùa hè năm ngoái, Gabriel Jesus và Oleksandr Zinchenko chuyển đến từ Man City và tổng số tiền Arsenal chi ra là 165 triệu bảng.
Các bản hợp đồng này đều thành công vượt kỳ vọng, qua đó trở thành trụ cột tại Arsenal. Điều đáng nói, đội hình trong tay HLV Mikel Arteta rất trẻ, độ tuổi trung bình chỉ nhỉnh hơn 25 và trẻ thứ hai tại Premier League 2022/23.
Những ngôi sao như Odegaard, Saka, Martinelli, Saliba đều đang độ tuổi phát triển, đồng nghĩa Arsenal hứa hẹn còn hùng mạnh hơn trong tương lai. Và mùa hè này, như đã đề cập, số tiền chuyển nhượng "Pháo thủ" dự chi là 200 triệu bảng cho 3 cầu thủ đều chưa quá 25 tuổi để nâng cao chất lượng đội hình.
Rất, rất lâu về trước, khi Edu đang say sưa đọc "Rich Dad, Poor Dad" (Cha giàu, Cha nghèo), Gilberto Silva, người đồng đội tại tuyển Brazil lẫn Arsenal, đã nói: "Rồi cậu sẽ trở thành nhà quản lý trong tương lai. Cậu có những phẩm chất thật hoàn hảo để làm lãnh đạo". 20 năm sau, lời tiên tri của Silva ứng nghiệm.
Vị Giám đốc thể thao đương nhiệm của Arsenal có thể không phải mẫu nhà quản lý truyền thống kiểu Anh, nhưng kỹ năng tổ chức và điều hành đã giúp ông thành công.
Như Duilio Monteiro Alves, thành viên ban lãnh đạo Corinthians lý giải khi mời Edu về làm Giám đốc kỹ thuật chỉ 3 tháng sau khi cầu thủ Brazil giải nghệ: "Edu có thể chưa biết gì ngoài đá bóng. Tuy nhiên, cậu ấy hội tụ đủ mọi tố chất để trở thành nhà quản lý xuất sắc. Cậu ấy thật khác biệt, lịch sự, giao tiếp giỏi bằng nhiều thứ tiếng và đã có kinh nghiệm tại châu Âu. Đó là lựa chọn tối ưu!".