Đường ven sông Sài Gòn sẽ có cảnh quan đẹp, không gian đô thị xứng tầm

11/08/2023 16:30

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đường ven sông Sài Gòn có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế, cảng, du lịch, giao thông thủy vùng Đông Nam Bộ.

Ngày 11/8, ông Trần Quang Lâm- Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết tại cuộc họp vùng Đông Nam Bộ vừa qua, TP.HCM và các tỉnh có chung quan điểm thống nhất là cần có một tuyến đường ven sông Sài Gòn.

Sở GTVT được UBND TP giao phối hợp với Sở Quy hoạch- Kiến trúc và sở GTVT các tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bổ sung vào quy hoạch chung của TP và vùng Đông Nam Bộ. Hiện Sở đang đánh giá lại hướng tuyến để đảm bảo khả thi.

Quan điểm các tuyến đường ven sông phải bám theo bờ sông Sài Gòn; tùy theo điều kiện, tình trạng đô thị của dọc bờ sông cũng như khả năng phát triển đô thị, phát triển không gian để xác định vị trí của hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang, kiểu dáng thiết kế bờ kè phù hợp và linh hoạt.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm.

Theo ông Lâm, tại TP.HCM cũng đã có những đoạn hình thành đường ven sông qua khu đô thị, một số đoạn chưa có và chưa liên tục. Do đó, TP đang rà soát tổng thể dọc tuyến sông Sài Gòn. Quá trình rà soát không chỉ có Tân Cảng, khu vực cầu Sài Gòn mà kéo dài đến hết sông Sài Gòn như Củ Chi, huyện Nhà Bè.

Đặc biệt là đoạn từ Mũi Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) đến cầu Khánh Hội (quận 4), dọc hai bên sông Sài Gòn đoạn này có tiềm năng rất lớn, khi di dời khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội thì hình thành đường ven sông để phát triển dịch vụ đô thị, thương mại, logistics, chức năng hỗn hợp kể cả hình thành một số cảng bến thủy, cảng quốc tế.

Ông Lâm nhận định, không gian ven sông có thể quy hoạch đường 8, 6 hoặc 4 làn xe. Sau khi rà soát, lấy ý kiến từ sở Quy hoạch- Kiến trúc TP, sở GTVT các tỉnh để thống nhất hoàn thiện báo cáo cơ sở trình UBND TP.HCM xem xét, thống nhất với các tỉnh bổ sung vào quy hoạch chung. Sau khi có quy hoạch chung thì các bên liên quan sẽ triển khai thực hiện dự án, tính toán nguồn lực triển khai.

"Từ TP.HCM đến Bình Dương sẽ được ưu tiên triển khai trước để đồng bộ với hai bên bờ sông. Tất nhiên TP cũng xem xét các vị trí khác phù hợp, ví dụ như từ Củ Chi, Tây Ninh có thể gắn với các dự án phát triển đô thị, khu du lịch thì chúng ta sẽ triển khai dự án bổ sung ngay", ông Lâm nhấn mạnh.

Cảnh quan bên sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn trung tâm TP.HCM và khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Huế

Theo lãnh đạo sở GTVT, trên cơ sở quy hoạch, TP mới bắt tay vào thực hiện kế hoạch, xác định đoạn nào làm trước, đoạn nào làm sau. Đoạn nào làm bằng vốn ngân sách hay huy động từ các nguồn khác.

Tuyến đường ven sông trong tương lai nếu kết hợp với vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, các tuyến đường thủy thì rất có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch kéo theo nhiều lợi thế khác gắn với địa lý đặc thù sông nước của TP.HCM. Dù vậy, để dự án hoàn thiện cũng phải mất một thời gian dài.

Năm 2017, một doanh nghiệp từng đề xuất với UBND TP.HCM về việc làm tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 64 km nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1). Doanh nghiệp này cam kết trong vòng 24 tháng sẽ hoàn thành dự án với kinh phí đầu tư dự tính khoảng 2,5 tỷ USD.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đường ven sông Sài Gòn sẽ có cảnh quan đẹp, không gian đô thị xứng tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO