Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32) là dự án hạ tầng quan trọng, kết nối phía Bắc và Nam sông Hồng, tạo thành vành đai phía Tây Hà Nội; tổng mức đầu tư xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức (Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Tuyến đường có chiều dài 5,6km, tốc độ thiết kế 80km/h, quy mô mặt cắt ngang 60m. Giai đoạn 1 của dự án (hơn 360 tỷ đồng) được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017 đã cơ bản hoàn thành và đang triển khai lắp hệ thống đèn chiếu sáng, cống thoát nước, vạch kẻ đường...
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, hiện dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 có chiều dài 5,6km đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Ban đầu dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nguồn nhân công bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng đang bị chậm.
Vị lãnh đạo này cho biết, khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối rộng khoảng hơn 6.000m2, trong đó một phần đất của khu di tích nằm tại vị trí xây dựng đường Vành đai 3,5. "Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Viện khảo cổ học, Cục Di sản và Ban Danh thắng TP Hà Nội để đưa ra phương án phù hợp và GPMB sớm nhất, phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5", vị lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức nói.
Anh Phan Văn Đức, kỹ thuật hiện trường dự án Vành đai 3,5 cho biết, hơn 20 công nhân cùng các thiết bị máy móc đang tập trung thi công phần nền đường. Công tác giải phóng mặt bằng được giải quyết sớm thì sẽ cố gắng hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng cuối năm 2022.
Đây là trục đô thị cấp đặc biệt, kết nối các huyện ngoại thành phía tây Thủ đô Hà Nội như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Trì với 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp.
Hình ảnh nút giao đường vành đai 3,5 với quốc lộ 32 (đoạn qua huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Hình ảnh đường Lê Trọng Tấn đã hoàn thiện, sẵn sàng kết nối với Vành đai 3,5 (đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32), tạo nên trục đường góp phần giảm tải cho tuyến Vành đai 3 và đường 70.
Được biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Vành đai 3,5 là tuyến đường kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, nhiều phân khu đô thị và khu dân cư thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì và Hoài Đức... tạo thành vành đai phía Tây Thủ đô.