Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn lãi kỷ lục

06/11/2023 17:54

Các công ty đường sắt đang có lợi nhuận cao khi tiết giảm chi phí hoạt động, cùng đó là nhiều chuyển biến tích cực về đầu tư hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ và hành khách tăng đi tàu trở lại.

Vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc đáng kể. Việc cắt giảm mạnh chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ và cho ra đời những sản phẩm mới đang giúp các công ty đường sắt có được kết quả khả quan.

Hai "ông lớn" lãi đậm

CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) vừa công bố lợi nhuận trong quý III/2023 đạt hơn 54 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị.

Kết quả trên chủ yếu nhờ sự cải thiện trong biên lãi gộp, tiết giảm mạnh các chi phí hoạt động và tăng nguồn thu từ lãi tiền gửi. Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải thêm là do phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và khấu hao tài sản giảm mạnh.

Tính chung 9 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội đạt gần 1.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ. Kết quả này tương đương hoàn thành 3/4 chỉ tiêu doanh thu và đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận chỉ 550 triệu đồng của năm nay.

Đại diện lớn nhất ở miền Nam là CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) cũng có kết quả tích cực. Lợi nhuận sau thuế quý này lên mức cao nhất trong lịch sử hoạt động với hơn 43 tỷ đồng, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu suy giảm.

Đường sắt Sài Gòn tính chung 9 tháng ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 81 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp theo đó đã thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm (600 triệu đồng).

Dù có kết quả rất tích cực trong năm 2023 nhưng tình hình tài chính của 2 công ty vẫn còn tiêu cực, chủ yếu do mức thua lỗ nặng nề trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch (2020-2021). Hiện lỗ lũy kế của Đường sắt Hà Nội còn 285 tỷ đồng và lỗ lũy kế của Đường sắt Sài Gòn là gần 312 tỷ đồng.

Đây là 2 thành viên chủ lực của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VRN). Hiện VNR sở hữu lần lượt 91,62% vốn điều lệ của Đường sắt Hà Nội (800 tỷ đồng) và 78,44% vốn của Đường sắt Sài Gòn (503 tỷ đồng).

Riêng Đường sắt Hà Nội chính thức thành lập từ năm 2003 và được cổ phần hóa vào năm 2016. Công ty có chi nhánh trực thuộc (bao gồm 11 chi nhánh vận tải đường sắt và 4 chi nhánh toa xe), đồng thời sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm kinh doanh vận tải đa phương thức để phát triển toàn diện các nhu cầu về vận tải.

Công ty hiện quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP.HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách liên vận quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị.

Trong khi đó, Đường sắt Sài Gòn cũng được thành lập từ năm 2003 và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2016. Công ty có 9 đơn vị trực thuộc và hiện quản lý các tuyến từ Sài Gòn đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... cũng tổ chức các tour du lịch tới các danh lam thắng cảnh trên cả nước.

Người dân tăng đi tàu  

Kết quả tích cực theo Đường sắt Sài Gòn là do nhu cầu đi lại của khách nội địa và khách du lịch nước ngoài tăng cao, đặc biệt là trong Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp hè 2023. Doanh thu vận chuyển hàng khách, hàng hóa trong những tháng đầu năm 2023 có bước tăng trưởng hơn so với cùng kỳ.

Đặc thù của ngành Đường sắt là doanh thu thường tập trung chủ yếu ở các tháng cao điểm như hè và Tết. Trong khi chi phí chủ yếu tập trung vào những tháng thấp điểm cuối năm do phải tập trung sửa chữa toa xe phương tiện để chuẩn bị vận hành cho những tháng cao điểm, còn các tháng đầu năm chi phí tập trung lại thấp.

Thực tế, số liệu vĩ mô cũng cho thấy sự khởi sắc của vận tải đường sắt trong 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, ngành đường sắt đã vận chuyển tổng cộng 4,9 triệu lượt khách, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách 9 tháng đầu nămSố lượt khách vận chuyển (triệu HK)Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ
Đường sắt4,944,4%
Đường biển9,242,8%
Hàng không44,721,9%
Đường thủy nội địa243,723,7%
Đường bộ3.103,512,2%
Tổng số3.40613,1%

Ngành đường sắt từng trải qua giai đoạn 2017-2022 rất khó khăn do hệ thống kinh doanh cũ kỹ như hệ thống kết cấu hạ tầng lạc hậu, bị cắt cụt nhiều tuyến kết nối, năng lực thông quan hạn hẹp, chưa được đầu tư đồng bộ… Cùng với đó là tác động lớn của đại dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng và cạnh tranh giá cước với các loại hình vận tải khác.

Trong giai đoạn kinh doanh thua lỗ trước đây, ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, công ty đường sắt còn thừa nhận do tác phong phục vụ của nhân viên chưa đáp được yêu cầu khách hàng, nhất là nhóm người lao động lớn tuổi, các đoàn tàu chưa có wifi, tồn tại hiện tượng "bao khách" và "bao hàng".

Tuy nhiên, vận tải đường sắt đã có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn gần đây để kéo hành khách quay trở lại, nhất là về đầu tư và hạ tầng, hiện đại hóa các khoang tàu và đưa ra các sản phẩm mới, dịch vụ cao cấp đến khách hàng.

Lãnh đạo VNR cho biết ngành đường sắt đang nâng cao chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ, cải tạo nhà ga hành khách, chuyển đổi số... đồng thời triển khai chính sách giá vé linh hoạt, liên kết công ty du lịch khai thác khách nước ngoài, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như tàu cao cấp, food tour.

Đường sắt Hà Nội vừa qua đã chính thức đưa đội tàu chất lượng cao SE19/SE20 giữa Hà Nội - Đà Nẵng. Tuyến đường này nhanh chóng thu hút hành khách, nhất là giới trẻ và khách du lịch bởi có thiết kế hiện đại và phong cách phục vụ thân thiện hơn.

Trong khi Đường sắt Sài Gòn cũng sớm đưa các loại hình đường sắt du lịch vào khai thác để cải thiện kết quả kinh doanh. Đại diện phía Nam đang quản lý các tuyến tàu được khách du lịch ưa chuộng như Sài Gòn đi Nha Trang, Bình Thuận, Biên Hòa.

Không chỉ chuyển biến mạnh mẽ về hình ảnh dịch vụ, ngành vận tải lâu đời này còn nuôi tham vọng xây tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Mục tiêu đến trước năm 2030 sẽ khởi công các đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Đề án đang được lấy ý kiến các bộ, ngành với 2 phương án. Phương án 1 là xây dựng đường sắt cao tốc với đường đôi, chiều dài 1.545 km và tốc độ khai thác 320 km/giờ, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,71 tỷ USD.

Phương án 2 là xây dựng tuyến đường sắt mới với đường đôi có kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tối đa 180 - 250 km/giờ, tàu hàng tối đa 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư vào khoảng 64,9 tỷ USD.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/duong-sat-ha-noi-va-sai-gon-lai-ky-luc-2211460.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/duong-sat-ha-noi-va-sai-gon-lai-ky-luc-2211460.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn lãi kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO