Năm 2017, Hà Nội có 4 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT): Tuyến 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) bị đóng băng bởi dính án tham nhũng; tuyến 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) chưa làm gì đã đội vốn gần gấp đôi; tuyến 2A (Cát Linh –Hà Đông) tương tự; tuyến 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) cũng nhùng nhằng, đội vốn.
Giải thích cho việc này, lãnh đạo TP.Hà Nội cho rằng, đây là lĩnh vực mới nên năng lực quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, chưa kiểm soát được công việc, nên phải phụ thuộc vào tư vấn. Trong khi đó, cả Systra (Pháp) tại dự án Nhổn - ga Hà Nội và OCJV lại chưa có sự am hiểu về các quy định tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nêu một phần lỗi của các bộ, ngành khi chưa thể hiện được trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc triển khai đối với hai dự án.
Ngoài việc để đội vốn, chậm tiến độ, việc lựa chọn công nghệ và xuất xứ hàng hóa cũng là một tồn tại, bởi nguồn vốn của các dự án đều sử dụng vốn vay của Chính phủ các nước, nên thường bị ràng buộc điều kiện vay trong quá trình đàm phán, ký kết hiệp định.
Năm 2021, tuyến Cát Linh – Hà Đông đưa vào khai thác nhưng gặp đại dịch Covid-19 nên lượng khách đông nhất mới đạt 10% so với dự báo gần 200.000 khách đi tàu trong nghiên cứu đầu tư. Năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát, khách đi tàu vẫn ở mức 10.000 lượt/ngày (5%). Trong khi chi phí vận hành, lãi vay và hoàn vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng/ngày.
Năm 2021, dự án ĐSĐT số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) đang đào 4 ga ngầm thì nhà thầu dừng thi công, đòi đền bù gần 3.000 tỷ đồng… Đúng, sai chưa rõ nhưng công trường ngầm đến tháng 4/2022 vẫn thấy đóng cửa.
Năm 2022 , tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) đã giải tỏa bế tắc do đặt ga C9 vào vùng bảo tồn, bằng cách dịch ra bên ngoài và dự báo tăng hơn 4.000 tỷ đồng. Câu hỏi là vốn đầu tư từ đâu (khoản vay cũ đã hết hạn từ 2019) và ai sẽ là tư vấn tiếp, vì sau khi được trả phí không rõ tư vấn cũ có vẽ tiếp dự án không, bởi đã có tư vấn không tiếp tục vẽ dự án ĐSĐT (như tại TP.HCM).
Năm 2022, dự án ĐSĐT số 3 nối dài tiếp từ ga Hà Nội tới Hoàng Mai (gọi tắt là 3.2) có cơ hội mới khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư hơn 343 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 12,6 triệu USD, đối ứng trong nước hơn 2 triệu USD).
Đáng chú ý, BQL Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, dự án này vẫn tiếp tục triển khai theo đề xuất cũ bởi Systra - đối tác mà MRB đã từng “không tin tưởng vào kinh nghiệm và trình độ quốc tế của tư vấn”.
Đại diện MRB cho biết, lựa chọn “thiết kế đi ngầm là do quỹ đất dành cho giao thông rất hạn hẹp. Đây là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô”. Thực tế, phần lớn tuyến này đi dọc theo sông Kim Ngưu: đi ngầm hay đi nổi đều không phải GPMB cho đường và nhà ga, còn phần đi ngầm trong phố thì có nhiều ẩn số mà MRB chưa làm rõ thông tin.
Đối chiếu với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới trong việc lập Quy hoạch ĐSĐT (WB-2018): “chỉ đầu tư ĐSĐT ngầm số lượng khách dự báo thấp chỉ đạt 20% để đầu tư. Về giá thành đầu tư thì dự án này vượt trần giá do WB cung cấp (200 triệu USD/1km tương đường 1.752,78 triệu USD/8 km ngầm + 0,8 Km Depo), và không có gì đảm bảo là sẽ tiếp tục tăng cao hơn, trong khi khung giá của WB dao động từ 70 triệu - 180 triệu USD/km.
Chủ đầu tư (MRB) đã chọn phương án đầu tư đắt nhất, đắt hơn cả hạn mức cao nhất để đầu tư một tuyến ĐSĐT chở một lượng khách thấp; thấp hơn mức cho phép đầu tư dựa vào tính toán của tư vấn mà chính MRB đã không tin tưởng. Nó cho thấy 2 khả năng: một là, MRB không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn phương án hiệu quả thấp, rủi ro cao; hoặc năng lực của MRB thấp bé hơn nhiều so với quy mô dự án.
Từ năm 2018, Thanh tra Chính phủ nhận định: Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chưa có nhân sự nắm chuyên môn ở tầm quốc tế, đủ năng lực trong việc xem xét và phê duyệt, thường xuyên phải tham khảo, lấy ý kiến các cấp, ngành, thậm chí phải thuê các đơn vị nước ngoài thẩm định trước khi ký duyệt... Việc thiếu kinh nghiệm của Ban quản lý này đã dẫn đến mất rất nhiều thời gian dành cho việc xem xét, rà soát, trong khi các ý kiến tham gia đều không rõ ràng, thiếu tự tin, nhằm mục đích tránh chịu trách nhiệm, từ mất nhiều thời gian đã dẫn đến tăng chi phí bổ sung.”
So sánh vào các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật dự án mới đề xuất với khuyến nghị của Ngân hàng thế giới cho thấy, nguy cơ thất bại của tuyến ĐSĐT Ga Hà Nội – Hoàng Mai đã rõ ngay từ lúc này.
Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội