Đường riêng cho xe đạp, cả Hà Nội sao chỉ có 1 tuyến?

19/02/2024 07:28

Tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội dù mới đang trong giai đoạn thí điểm, nhưng một số chuyên gia kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen di chuyển của người dân.

Sau nửa tháng Hà Nội triển khai thí điểm tuyến đường dành riêng cho xe đạp (dọc sông Tô Lịch từ Ngã Tư Sở đi quận Cầu Gấy), đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng cho biết, người dân đã sử dụng xe đạp từ các trạm cho 482 chuyến đi và 468 chuyến đến trên tuyến đường này. Dù mới triển khai nhưng tuyến đường bước đầu đã thu hút người dân sử dụng xe đạp để di chuyển.

tri nam.jpeg
Người dân Thủ đô hào hứng trải nghiệm tuyến đường dành riêng cho xe đạp. (Ảnh: Bá Quân)

Trao đổi với VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, bày tỏ sự ủng hộ Hà Nội triển khai tuyến đường dành riêng cho xe đạp.

Ông Tạo cho rằng đây là chủ trương đúng, Hà Nội nên mở rộng mô hình đường dành cho xe đạp sau thời gian thực hiện thí điểm. Ngoài tuyến đường dọc sông Tô Lịch, thành phố nên triển khai thêm tại một số tuyến đường khác đủ điều kiện.

“Căn cứ vào việc triển khai thí điểm, chúng ta rút kinh nghiệm về cách thức quản lý, phương án tổ chức giao thông, sau đó lập đề án quy hoạch chung về giải pháp tổ chức giao thông bằng xe đạp trên địa bàn Hà Nội. Từ căn cứ đó thành phố có thể mở rộng mô hình này”, ông Tạo đề xuất.

Theo ông Tạo, không phải tuyến đường nào cũng đủ điều kiện dành riêng một làn cho xe đạp, tuy nhiên vẫn có thể triển khai trên một số tuyến với ranh giới ưu tiên cho xe đạp. Theo đó, làn cho xe đạp sẽ sát với lề đường; xe máy, ô tô chỉ được đi vào để rẽ vào nhà, cơ quan, văn phòng… nhưng phải nhường đường cho xe đạp.

Trả lời câu hỏi "Liệu việc dành riêng một phần đường cho xe đạp có gây lãng phí hạ tầng trong khi các làn đường còn lại vẫn đang chen chúc, kẹt cứng?", ông Tạo cho rằng đó chính là cách “tạo sức ép” để các phương tiện giao thông ô tô, xe máy giảm đi lại. Từ đó, người dân dần hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, xe đạp, xe đạp điện.

“Thực ra nếu có làn riêng thì đi xe đạp còn nhanh hơn các loại xe khác nếu gặp cảnh ùn tắc. Xe đạp có thể đi với vận tốc 20km/h, trong khi đó nếu đường đông, xe cơ giới nối đuôi nhau chỉ đạt tốc độ 10- 15km/h. Như vậy bố trí làn cho xe đạp không hề lãng phí”, ông Tạo nói.

Hoàn toàn ủng hộ chủ trương trên của Hà Nội, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho biết, với mong muốn giảm thiểu khí thải từ ô tô, xe máy cũng như giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, hiện nay nhiều đô thị trên thế giới đã triển khai loạt chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.

Ví dụ tại Singapore, cơ quan giao thông đường bộ của nước này đặt mục tiêu thúc đẩy việc đi bộ, đạp xe trở thành hệ thống giao thông xanh, bền vững. Quốc đảo sư tử có khoảng 500km đường dành cho xe đạp và đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đường đi xe đạp trên toàn quốc lên 800km trong 2-3 năm tới.

Để hỗ trợ việc đi lại, ngoài đường dành cho xe đạp, cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyến đi cũng rất quan trọng. Hiện nay, Singapore có khoảng 27.000 chỗ đậu xe đạp tại các điểm giao thông công cộng; cơ quan giao thông đường bộ sẽ cung cấp thêm 3.000 chỗ nữa tại các ga tàu điện ngầm vào năm 2025.

Một ví dụ khác là tại Paris (Pháp), kể từ năm 2015, chính quyền đã đầu tư 150 triệu Euro với mục tiêu trở thành một trong những "thủ đô xe đạp” trên thế giới. Kế hoạch này bao gồm mục tiêu tăng gấp đôi chiều dài làn đường xe đạp, quy hoạch thêm nhiều điểm đỗ và nâng cấp hệ thống xe đạp công cộng Vélib.

Người dân chỉ việc tải ứng dụng trên điện thoại và đăng ký sử dụng dịch vụ bằng thẻ tín dụng. Nhờ việc đăng ký sử dụng đơn giản và chi phí thấp tùy theo đối tượng, mô hình này được người dân rất hưởng ứng.

Ông Bình cho biết, ở các đô thị phát triển trên thế giới, với những phương tiện không mong muốn chiếm ưu thế thì chính quyền có thể đặt ra những hạn chế nhất định như không cho phép đỗ ô tô ở nhiều tuyến phố, hoặc lập ra những làn riêng cho xe buýt...

“Một số đô thị ở các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức... lập ra các làn ưu tiên cho xe đạp. Những làn đường này thường có chiều rộng khoảng 1,5m được bố trí sát mép phải đường. Các phương tiện khác khi thấy xe đạp đi trên làn đường đó thì không được bấm còi đòi vượt.

Nhờ những cách làm như vậy người dân di chuyển bằng xe đạp thấy thuận tiện, an toàn thì họ dần sử dụng thay vì các phương tiện xe cơ giới khác. Hiện xu hướng sử dụng xe đạp trong lưu thông hằng ngày tại các đô thị ở châu Âu đang phát triển khá mạnh”, ông Bình thông tin.

Tháng 11/2023, Sở GTVT Hà Nội đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp. Tuyến thứ nhất là tuyến đường dọc sông Tô Lịch; tuyến thứ hai là tuyến đường nằm xung quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đường riêng cho xe đạp, cả Hà Nội sao chỉ có 1 tuyến?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO