Đường dây 500kV mạch 1: Những giây phút lặng yên đến nghẹt thở

24/11/2022 13:42

Đây là công trình với nhiều số "0": "Không" kinh nghiệm, "không" giàu có về tài chính và "không" nhận được sự đồng thuận của tất cả. Thế nhưng, gần 30 năm qua đã minh chứng cho sự đúng đắn, sáng suốt của những người dám "đặt cược".

Sau hơn 2 năm xây dựng thần tốc, đúng 19h7'59'' ngày 27/5/1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức “lưu thông” trên toàn tuyến. Thủ tướng Võ Văn Kiệt dường như không rời mắt khỏi sơ đồ dòng điện. Đó là giây phút lặng yên đến ngạt thở. Ông đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào công trình ấy. Dòng điện lóe sáng, thông báo đã hòa lưới từ Thủy điện Hòa Bình (miền Bắc) đến trạm Phú Lâm (miền Nam), ông mới có thể cười nhẹ nhõm.

Nghe chương trình tại đây:

Trước đây trong tổng sơ đồ ngành điện, các chuyên gia đã dự kiến sẽ xây dựng đường dây cao áp Bắc - Nam sau năm 1995 mới khởi công. Nhưng bối cảnh bây giờ thôi thúc ngành điện không thể kéo dài thời gian dự kiến. Miền Nam đang chờ điện. Trong tư liệu cũ của ngành điện còn lưu lại buổi làm việc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

"Tôi cũng đồng ý với các đồng chí là đầy khó khăn trên các tuyến đường điện này. Bây giờ người ta muốn làm ăn hợp tác với mình nhưng trở ngại lớn nhất là điện không đảm bảo. Cho nên bây giờ tôi muốn nói cái đó là để khóa sổ không có bàn cãi gì đó, không nói làm hay không làm nữa. Chỉ có thể là làm, làm sao thật nhanh, gấp rút, nhanh nhất là được 2 năm" (Trích băng tư liệu)

Xem thêm: Con gái Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Tôi tự hào về tên gọi "Hiếu Dân" của mình

Thủ tướng Võ Văn Kiệt, kiểm tra công trường và thăm anh em công nhânẢnh: Hồng Long

Ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình đường dây 500 kV Bắc – Nam, đó như là “thời khắc nổ phát súng lệnh cho đội quân năng lượng tiến vào cuộc chinh phục kỳ vĩ”. “Có lẽ chưa có công trình nào mà Thủ tướng đi thăm nhiều như công trình này" - Ông Vũ Ngọc Hải  - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng kể lại.

"Nếu đưa điện vào miền Nam sẽ kích thích, góp phần phát triển kinh tế cả nước. Về mặt chính trị, đây sẽ là công trình được lòng dân vì “Miền Nam đi trước về sau”. Miền Bắc thì thừa điện, bán cho nước ngoài mà miền Nam thì đang thiếu, mình có tội lớn với đồng bào. Vì vậy đưa điện vào miền Nam là hợp lòng dân”.

Trong 730 ngày đêm xây dựng đại công trường lớn nhất, dài nhất trong lịch sử bấy giờ- 1500km. Gian nan vất vả không thể nói hết bằng lời, chỉ biết rằng hàng vạn con người đã làm việc bằng tinh thần và ý chí sắt đá, một quyết tâm cao như đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Công trình gồm có 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 17 tỉnh thành, 7 lần vượt sông và 17 lần vượt quốc lộ.

Vì mệnh lệnh điện cho miền Nam, điện cho Tổ quốc, hàng trăm nghìn kỹ sư công nhân đào tạo từ chính quy, tại chỗ, nhân dân địa phương, quân đội, công an và cả voi đều đồng loạt ra quân. Những thước phim quý giá ghi lại hình ảnh người người kỹ sư, công nhân ngày ấy chân đất, không găng tay, không đồ bảo hộ, không được trang bị kỹ thuật hiện đại đã “tự tay ta làm nên tất cả” từ vận chuyển vật liệu, dựng cột, làm móng. Còn đó những hồ mìn, dây thép gai - tàn dư khốc liệt của cuộc chiến tranh còn để lại, không ít người đã đổ máu, hy sinh thân mình khi thực hiện công trình thế kỷ này.

Sau hơn 2 năm xây dựng thần tốc, đúng 19h7'59'' ngày 27/5/1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức “lưu thông” trên toàn tuyến. Thủ tướng Võ Văn Kiệt dường như không rời mắt khỏi sơ đồ dòng điện. Đó là giây phút lặng yên đến ngạt thở. Ông đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình vào công trình ấy. Dòng điện lóe sáng, thông báo đã hòa lưới từ Thủy điện Hòa Bình (miền Bắc) đến trạm Phú Lâm (miền Nam), ông mới có thể cười nhẹ nhõm.

"Khi anh Sáu Dân tâm tư đóng điện liệu thành công không? Tôi bảo anh yên tâm, sẽ thành công. Tôi chỉ lo nhất là vấn đề an ninh. Tôi cũng hồi hộp, chờ đợi. Sau ngày đóng điện, anh Sáu Dân đến tìm tôi. Anh đã lo đến mất ngủ, khi đóng điện thành công, vui quá cũng không ngủ được" - Bao nhiêu năm qua nhớ về giây phút ấy, ông Vũ Ngọc Hải vẫn bồi hồi xúc động.

Công trình hoàn thành đúng mục tiêu nhưng không có một lễ khánh thành như mong đợi. Như lời ông Hải nói "số phận của đường dây ấy cũng đầy trắc trở".

Một công trình lớn được thi công ở một đất nước còn nghèo đói, tài chính và đội ngũ kỹ sư chưa hùng hậu, chưa có kinh nghiệm nhưng đã gói gọn trong 2 năm khiến các chuyên gia trên thế giới phải thán phục. Đường dây 500kV mạch 1 đã đặt nền móng cho ngành điện nước ta vươn đến mạch 2, mạch 3 nhưng quan trọng hơn tất cả là nó đã chứng mình được quyết sách đúng đắn của những người dám nghĩ dám làm, cộng với tinh thần đoàn kết, ắt chúng ta sẽ thành công.

Đường dây hữu hình 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam chính là “sợi dây vô hình”, nhưng cũng hết sức “bền chặt” nối liền hai miền Nam - Bắc. “Một đất nước thống nhất không chỉ biểu hiện bằng thống nhất ngôn ngữ, lãnh thổ... mà còn là sự thống nhất tiền tệ, thị trường và cùng với đó là một lưới điện thống nhất”./.

Theo vov2.vov.vn
https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/duong-day-500kv-mach-1-nhung-giay-phut-lang-yen-den-nghet-tho-35204.vov2
Copy Link
https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/duong-day-500kv-mach-1-nhung-giay-phut-lang-yen-den-nghet-tho-35204.vov2
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đường dây 500kV mạch 1: Những giây phút lặng yên đến nghẹt thở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO