Được và mất khi thực hiện tự chủ và xã hội hóa y tế

Thùy Linh| 13/10/2022 09:54

Một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới cơ chế quản lý là từng bước cải cách phương thức tài chính công theo hướng phát huy tính tự chủ và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phát huy mọi khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao. Thực hiện chủ trương này, những năm qua, các bệnh viện ở Việt Nam được từng bước cho thực hiện tự chủ từ toàn diện đến một phần. Nếu như ngành Giáo dục thực hiện tự chủ thành công, xuất hiện những đại học “nghìn tỉ” sau khi tự chủ, thì ở ngành y tế, các bệnh viện lại liên tiếp xin dừng cơ chế tự chủ. Vì đâu nên nỗi?

Được và mất khi thực hiện tự chủ và xã hội hóa y tế
Các bác sĩ thực hiện một ca phẫu thuật khó. Ảnh: BVCC

Tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn

Thực tế cho thấy, sau khi có chủ trương tự chủ tài chính, nhiều bệnh viện công đã “thay da đổi thịt”, khuôn viên bệnh viện sạch sẽ, khang trang, nhiều nơi được bài trí cây cối xanh mát, tạo cảnh quan, cảm giác thoải mái hơn cho người bệnh, thái độ phục vụ của đội ngũ y tế cũng đã thay đổi tốt hơn trước rất nhiều, năng lực khám chữa bệnh được nâng cao, các kỹ thuật y tế mới, tiên tiến được phát triển, nhiều ca bệnh khó được chữa khỏi... Không thể phủ nhận, tự chủ bệnh viện, xã hội hóa y tế đã đem lại những thay đổi tích cực cho ngành y tế trong những năm qua.

Tại phiên thảo luận sáng 21.9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xã hội hóa và tài chính y tế, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, tự chủ bệnh viện là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, các bệnh viện thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ xin dừng vì nghị quyết này chỉ cho thí điểm trong 2 năm.

Bà Đào Hồng Lan cho rằng, đây là những vấn đề mới được đưa vào dự thảo, nếu được luật hoá sẽ giải quyết vướng mắc mà ngành y tế đang gặp phải trong thực tiễn, hiện nay, ngành y tế đang phải đối mặt, mà những nội dung này chưa được quy định ở trong những dự án luật khác.

Việc các bệnh viện thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ (Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K - PV) xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết này, bà Lan giải thích, vì Nghị quyết 33 cho phép thí điểm tự chủ toàn diện trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi pháp luật về tự chủ quy định.

Hiện đã có Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 quy định về tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công, cho nên việc xin dừng thí điểm theo Nghị định 33 chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, vấn đề rất được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, “Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, trong khi nguồn lực nhà nước cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.

“Chúng ta xác định xã hội hóa, nhưng liên quan hệ thống công lập là chủ yếu. Vì hiện nay khoảng 95 - 98% vẫn thông qua hệ thống khám chữa bệnh của nhà nước. Cho nên, mặc dù tự chủ, mặc dù xã hội hóa nhưng vai trò của nhà nước trong đầu tư quan tâm cho lĩnh vực y tế vẫn là trọng tâm” - bà Lan nhấn mạnh.

Mô hình y tế đang lẫn lộn công - tư

Tự chủ bệnh viện, xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng, vậy những vấn đề lớn xảy ra trong ngành y tế thời gian qua là xuất phát từ đâu? Với nguồn kinh phí nhỏ giọt của ngân sách, các BV sẽ khó/không thể mua sắm được trang thiết bị đắt tiền cho những kỹ thuật cao. Liệu việc xã hội hóa trong các BV hay tự chủ toàn diện có phải là giải pháp cần thiết để giúp các BV bước qua khó khăn hay không?

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), đang có sự lẫn lộn về cung cấp dịch vụ công y tế, dẫn đến thiết kế mô hình công - tư bất hợp lý và vô tình trở thành con đường đưa một loạt bác sĩ giỏi, lãnh đạo đầu ngành, cán bộ quản lý BV công vướng vòng lao lý, gây những thiệt hại to lớn cho ngành y tế. Bởi đã có yếu tố kinh doanh thì phải đặt nặng lợi nhuận lên trên, nên khó tránh khỏi việc BV lạm dụng các dịch vụ cận lâm sàng, kê đơn không cần thiết để thu được nhiều tiền hơn từ người bệnh, từ bảo hiểm y tế.

Đi kèm với nguồn thu lớn là trách nhiệm công khai, minh bạch của của trường đại học. Ảnh: NTCC
Đi kèm với nguồn thu lớn là trách nhiệm công khai, minh bạch của của trường đại học. Ảnh: NTCC

Theo ông Đồng, sẽ không có một quy trình nào đủ hiệu quả để ngăn những biến tướng đó. “Nếu quy trình lỏng lẻo thì sẽ khiến y đức tiếp tục tha hóa và bệnh nhân tiếp tục là nạn nhân. Còn quy trình quá chặt thì sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, sẽ làm tê liệt hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, mà thực tế đã diễn ra, khiến nhiều BV thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị và bệnh nhân cũng lại là nạn nhân”- ông nói.

Để giải quyết vấn đề trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng: Không phải bằng cách lẫn lộn công - tư, mà phải khắc phục bằng giải pháp chính sách ở cấp độ nền tảng hơn với hai giải pháp song song.

Đó là một mặt, khuyến khích xã hội hóa đúng bản chất, bằng cách tạo môi trường cho bệnh viện tư phát triển. Mặt khác, trả BV công về đúng bản chất “công”, là chỉ cung cấp dịch vụ y tế công cho những nhóm người dân nhất định, ở một mức độ chất lượng cơ bản. Không thể đòi hỏi BV công vừa đồng thời phục vụ đối tượng phổ thông, lại vừa có chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tối ưu.

Với BV công, cần từng bước giới hạn đối tượng phục vụ là những nhóm dân cư có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, và đáp ứng mức độ chăm sóc y tế cơ bản. BV công không thể bố trí riêng mỗi bệnh nhân một phòng, mà phải chấp nhận nằm phòng chung, miễn là đáp ứng mỗi giường một người. Nhà nước sẽ có trách nhiệm đầu tư đầy đủ để BV công đáp ứng mức độ cơ bản đó.

Đương nhiên, mục tiêu này cần có lộ trình để thực hiện từng bước: Chỉ khi y tế ngoài công lập phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu người dân, thì BV công mới có thể thu hẹp phạm vi phục vụ vào các nhóm ưu tiên.

Đồng quan điểm này, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, Thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Bệnh viện công do nhà nước đầu tư, từ con người, đất đai, nhà cửa… nhưng lại tổ chức làm để thu lợi. Theo tôi, dần dần các vấn đề về y đức sẽ bị mai một. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng rất nhiều điểm còn chưa ổn, chưa rõ thậm chí còn sai về mục đích. Chúng ta cần được xem lại giải quyết, sau mới thực hiện tự chủ”.

GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ thời gian qua, là tất yếu. Không hợp lý ngay từ việc chọn bệnh viện thí điểm bởi các bệnh viện được lựa chọn đều là các bệnh viện hạng cao, nếu thành công làm sao áp dụng cho hàng loạt các hệ thống bệnh viện thấp hơn. Các bệnh viện công đều là đầu tư của nhà nước nhằm phục vụ người dân. Nếu chuyển qua tự chủ toàn diện sẽ được sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất để hoạt động, thu lại nguồn lợi nhiều nhất. Như vậy, vai trò của bệnh viện trong phục vụ người dân, nhất là người nghèo sẽ bị ảnh hưởng.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/duoc-va-mat-khi-thuc-hien-tu-chu-va-xa-hoi-hoa-y-te-1103990.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/duoc-va-mat-khi-thuc-hien-tu-chu-va-xa-hoi-hoa-y-te-1103990.ldo
Bài liên quan
  • Thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện công: Thất bại vì quá nóng vội
    Có thể thấy sau 2 năm tổ chức thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện, những mục tiêu ban đầu đặt ra đều không đạt. Chúng ta đang muốn hướng tới mô hình bệnh viện tự chủ toàn diện, đây là một chủ trương đúng đắn, có thể thành công hoặc không, vì vậy cần phải có đánh giá cụ thể từ thực tiễn. Trong trường hợp không thành công, chúng ta cũng mạnh dạn cho dừng thí điểm để thực hiện mô hình tự chủ về chi thường xuyên như đa số các bệnh viện công lập hiện nay đang thực hiện” - TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Được và mất khi thực hiện tự chủ và xã hội hóa y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO