Được tài trợ cầu đi bộ hình lá dừa nước trên sông, TPHCM tiếp nhận ra sao?

Q.Huy| 22/11/2023 16:43

Sau khi một doanh nghiệp đề xuất tài trợ cầu đi bộ hình lá dừa nước trên sông Sài Gòn, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ngành cho ý kiến về quy trình tiếp nhận.

UBND TPHCM vừa yêu cầu các sở ngành và đơn vị liên quan cho ý kiến về xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn và quy trình tổ chức thực hiện, tiếp nhận công trình xây dựng từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước.

Trước đó, một doanh nghiệp đã đề xuất tài trợ xây dựng công trình này và bàn giao cho TPHCM khai thác, sử dụng vì mục đích cộng đồng.

Liên quan nội dung này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, đơn vị đã có dự thảo quy trình tổ chức thực hiện, tiếp nhận công trình xây dựng từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước hồi tháng 10 vừa qua.

Được tài trợ cầu đi bộ hình lá dừa nước trên sông, TPHCM tiếp nhận ra sao? - 1

Phối cảnh cầu đi bộ hình lá dừa nước bắc qua sông Sài Gòn (Ảnh: Liên danh tư vấn).

Quy trình này gồm 4 bước thực hiện chính gồm tiếp nhận thông tin tài trợ, ký kết biên bản thỏa thuận; đề xuất chủ trương đầu tư; triển khai thực hiện đầu tư; xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Theo bản dự thảo này, bước tiếp nhận thông tin tài trợ, ký kết biên bản thỏa thuận sẽ do sở chuyên ngành hoặc UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chủ trì. Thời gian thực hiện là trong vòng 30 ngày.

Bước ký kết biên bản thỏa thuận có thời gian thực hiện trong khoảng 10 ngày. Đơn vị chủ trì của bước này là UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức nếu dự án nằm trên địa giới hành chính. Sở chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm chủ trì nếu dự án tài trợ nằm trên địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

Được tài trợ cầu đi bộ hình lá dừa nước trên sông, TPHCM tiếp nhận ra sao? - 2

Vị trí xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (Ảnh: Hải Long).

Bước đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ cần tối đa 30 ngày thực hiện. Trong đó, nhà tài trợ sẽ chủ trì việc lập đề xuất dự án (15 ngày); sở chuyên ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chủ trì việc tham mưu, trình UBND TPHCM chấp thuận (15 ngày).

Trong các bước của dự thảo quy trình, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án sẽ mất nhiều thời gian nhất. Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ cần 3-6 tháng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cần 3-6 tháng; bàn giao, tiếp nhận mặt bằng cần 30 ngày; cấp giấy phép xây dựng cần tối đa 20 ngày; khởi công công trình trong khoảng thời gian 3 ngày; việc triển khai thi công, hoàn thành, nghiệm thu sẽ có thời gian thực hiện theo thỏa thuận của các bên.

Bước xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án được tài trợ gồm khâu lập và trình hồ sơ đề nghị với thời gian tối đa 30 ngày thực hiện. Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân sẽ được ban hành trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Trước đó, UBND TPHCM đã phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Theo đó, phương án CDN01 của Liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam là thiết kế được duyệt.

Phương án thiết kế CDN01 có hình tượng lá dừa nước, được tối ưu hệ thống cột chống dưới lòng sông và xây hệ cột về gần hai bên bờ, tạo tĩnh không dưới nước rộng hơn, tránh va đập cho tàu thuyền. Bên cạnh đó, thiết kế này lược đi các hệ cột trên mặt cầu nên tầm nhìn người đi bộ trên cầu sẽ thông thoáng.

Về mỹ thuật, cầu có màu trắng chủ đạo, tạo sức hút thị giác dưới ánh nắng mặt trời, đồng thời làm nền chuẩn cho việc chiếu sáng nghệ thuật vào ban đêm.

Dự án cầu được đánh giá là phương án độc đáo ấn tượng chưa trùng lắp, giản dị, có sức hút cho người dân và khách du lịch khi đến TPHCM. Phương án có suất đầu tư khả thi, được đưa ra có cơ sở chính xác.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/duoc-tai-tro-cau-di-bo-hinh-la-dua-nuoc-tren-song-tphcm-tiep-nhan-ra-sao-20231122111256950.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/duoc-tai-tro-cau-di-bo-hinh-la-dua-nuoc-tren-song-tphcm-tiep-nhan-ra-sao-20231122111256950.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Được tài trợ cầu đi bộ hình lá dừa nước trên sông, TPHCM tiếp nhận ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO