Dùng xông hơi trị COVID-19 nhiều trẻ nguy kịch

ANH ĐÀO| 26/10/2021 17:56

Nhiều bệnh viện vừa phát đi cảnh báo về tình trạng nguy hiểm khi các bậc phụ huynh dùng xông hơi trị COVID-19 cho trẻ nhỏ. Nhiều trẻ phải nhập viện nguy kịch, để lại di chứng nặng nề.

hieu-dung-ve-xong-va-covid-19-3634-1631630384.jpeg
Một số các loại thảo dược dùng để xông hơi người dân chia sẻ trên mạng - Ảnh: BSCC

Nghe lời truyền miệng

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cho biết vừa tiếp nhận ca cấp cứu một bệnh nhi bị bỏng nặng do gia đình dùng phương pháp xông hơi để... trị COVID-19.

Theo lời người nhà, nghe lời truyền miệng xông hơi với chanh, sả, gừng sẽ giúp bé có triệu chứng nhiễm bệnh COVID-19 mau khỏe, gia đình đã cho luôn một trẻ bị nhiễm COVID-19 trong nhà xông hơi thay vì mang con đến cơ sở y tế khám chữa.

Kết quả, bé gái này bị bỏng ở mức độ 2 và 3. Vết bỏng chiếm 35% diện thích cơ thể khiến cơ thể mất nước và sốc do bỏng. Các bác sĩ phải nỗ lực điều trị vết bỏng, hạn chế nhiễm trùng, hồi sức kịp thời song song đó phải theo dõi thêm diễn tiến của bệnh COVID-19 khiến việc điều trị rất phức tạp.

Tương tự, Bệnh viện Trưng Vương cũng cho biết , gần đây bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số trường hợp F0 bị bỏng vì tự điều trị COVID-19 tại nhà.

Cụ thể là 1 bé gái 15 tuổi, ngụ TP.HCM. Qua lời kể, gia đình bệnh nhân cho biết khi phát hiện nhiễm COVID-19, gia đình đã lấy nước sôi từ bình siêu tốc để nấu nồi xông hơi cho bé. Tuy nhiên do bất cẩn, nước sôi đổ trực tiếp vào vùng tầng sinh môn và 2 chân, làm bé bị bỏng nặng.

Bé được đưa đến một bệnh viện dã chiến, trước khi chuyển vào Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương vì vết thương không thể xử lý triệt để. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã xác định bé bị bỏng diện tích 10% vùng bẹn đùi 2 bên và chân phải.

Bệnh nhi được điều trị, thay băng, chăm sóc tích cực vết thương bỏng. Sau 2 tuần nằm viện, vết thương đã lành tốt, ổn định, không để lại di chứng gì và đã được xuất viện.

Xông hơi chỉ có thế giải cảm

Theo các bác sĩ, ở Việt Nam thói quen xông hơi diễn ra khá phổ biến, nhiều người hình thành thói quen xông hơi kể cả có bệnh hay không, người lớn xông thì cũng xông cho con cháu. Ở trẻ nhỏ da các em còn mỏng nên rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị ngộp, ngộ độc trong quá trình xông.

Các trường hợp trên hầu hết các ca bỏng nhập viện đều không quá nặng. Tuy nhiên có trường hợp trẻ bị nhiễm trùng, vì sau khi bỏng người nhà tự thay băng sai cách, đến ngày 4-5 sau bỏng mới đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM khuyến cáo xông hơi chỉ có thể giải cảm, giảm triệu chứng bệnh cảm chứ không thể chữa khỏi COVID-19. Trẻ con khi bị bệnh có sức đề kháng rất kém, thời gian ủ bệnh lâu càng khiến việc chữa trị thêm khó khăn. Người dân tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nếu muốn phòng COVID-19 chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tuân thủ 5K, cho trẻ uống thuốc bổ. Trường hợp quyết định xông hơi cho con thì phải cẩn thận, nước xông nấu đúng độ và phải có người lớn ở bên cạnh.

Bài liên quan
  • Hội chứng trái tim tan vỡ
    Bệnh nhân đột ngột đau thắt ngực dữ dội sau khi trải qua những sự cố bất ngờ, áp lực trong cuộc sống
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dùng xông hơi trị COVID-19 nhiều trẻ nguy kịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO