Mỗi lần đi siêu thị mua trứng, bạn sẽ thấy trứng được xếp trong một tấm lưới để thuận lợi hơn khi mang đi. Thông thường, khi mang về đến nhà, mọi người sẽ xếp trứng vào tủ lạnh bảo quản và bỏ tấm lưới này đi. Thực tế, tấm lưới này còn có rất nhiều công dụng hữu ích. Hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn một vài mẹo tái chế những chiếc túi lưới này. Cùng tìm hiểu cách làm cụ thể qua bài viết dưới đây nhé!
1. Chống tắc nghẽn cống rãnh
Khi đi tắm, bạn có hay gặp phải tình trạng cống thoát nước bị nghẹt, nước không chảy được không? Nhìn kỹ thì 80% "thủ phạm" là tóc, và để xử lý chúng thì cũng khá phiền phức. Lúc này, bạn có thể sử dụng túi lưới trứng, đặt xuống dưới nắp thoát sàn. Tấm lưới này không chỉ có nhiệm vụ lọc rác, tóc làm giảm tắc nghẽn dòng nước hiệu quả mà còn ngăn các loài côn trùng nhỏ dưới cống chui lên nhà tắm. Nhờ vậy, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về tình trạng tắc nghẽn cống thoát nước nữa.
2. Ngăn xà phòng không bị trượt
Xà phòng khi ướt có đặc điểm dễ trơn trượt. Khi rửa tay bằng xà phòng, do bề mặt của xà phòng quá nhẵn nên thường xảy ra hiện tượng rơi từ tay xuống đất. Trên thực tế, chỉ cần xà phòng được bọc trong một tấm lưới bọc trứng thì vấn đề này có thể đã được giải quyết. Túi lưới đặt trên xà phòng không những chống trơn trượt mà còn tạo bọt dễ dàng. Khi không sử dụng, bạn có thể treo xà túi xà phòng lên tường để dễ dàng cất giữ và giúp xà phòng luôn khô ráo.
3. Hỗ trợ chụp ảnh
Ốp tấm lưới trứng bên ngoài điện thoại sẽ tạo thêm một lớp màng lọc mờ ảo khi chụp ảnh. Những bức ảnh chụp ra mang vẻ đẹp mơ mộng, lung linh hơn.
4. Tạo bọt
Khi dùng sữa rửa mặt, nếu bạn thoa trực tiếp lên mặt sẽ làm tổn thương bề mặt da. Lúc này, bạn cũng có thể sử dụng túi lưới đựng trứng để rửa mặt. Khi bóp sữa rửa mặt trên túi lưới, bạn sẽ thấy bọt được tạo ra dễ dàng. Sau đó, bạn hãy lấy lớp bọt này thoa đều lên mặt, không những rửa sạch mà còn dịu nhẹ với làn da.
5. Rửa bát, đũa
Nhiều người có thói quen khi rửa bát là bóp trực tiếp chất tẩy rửa lên bát đĩa. Thực tế là làm như vậy là phản khoa học, và dễ khiến chất tẩy rửa đọng lại trên bát đĩa, gây hại cho sức khỏe. Lúc này, bạn có thể bóp vài giọt nước rửa chén lên túi lưới để tạo bọt, sau đó dùng để cọ rửa bát đũa. Với cách này, sau khi rửa lại bằng nước sạch sẽ không còn cặn hóa chất trên bộ đồ ăn, bát đũa và bạn có thể yên tâm sử dụng hơn.
6. Làm giá đỗ
Việc làm giá đỗ sẽ trở nên nhanh chóng, đơn giản và sạch sẽ hơn nhiều khi dùng túi lưới. Giá được làm theo phương pháp này cũng trắng tinh và mập mạp hơn rất nhiều so với các phương pháp khác.
Cách làm:
Bước 1: Pha một nồi nước nước ấm, sau đó cho đỗ vào ngâm trong khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm.
Sau khi ngâm, bạn vớt đỗ ra, rửa lại cho hết nước vàng, nhặt bỏ các hạt sạn hoặc hạt đỗ hỏng, đổi màu thâm đen.
Bước 2: Cho đỗ vào túi lưới. Tùy kích thước túi mà cho lượng đỗ thích hợp. Với một chiếc túi lưới có kích thước trung bình, bạn cho khoảng lưng bát con hạt đỗ là vừa. Sau đó, sử dụng miếng nhựa đi kèm thắt chặt miệng túi lại.
Sử dụng một chiếc nồi, xếp các túi lưới giá đỗ vào, chú ý không được xếp chồng lên nhau. Dùng chậu hoặc vung nồi đậy lên trên. Đặt nồi ở chỗ tối, khoảng 10 đến 12 tiếng sau sẽ bắt đầu cho giá uống nước.
Bước 3: Cho đỗ uống nước
Mở vung nồi, xả thẳng nước sạch vào nồi cho ngập mặt đỗ. Ngâm khoảng 10 phút rồi đổ sạch nước đi. Chờ cho các túi giá chảy hết nước, và đáy nồi hoàn toàn sạch nước, bạn mới tiếp tục đặt túi vào nồi, đậy nắp và đặt lại trong góc tối. Còn sót nước dưới đáy sẽ dễ khiến giá bị úng. Mỗi ngày chỉ cần cho giá uống nước 2 lần, sáng và tối.
Sau 1-2 hôm, đỗ sẽ nảy mầm rất mạnh. Lúc này bạn có thể nới lòng miệng túi ra một chút theo đà phát triển của giá. Không thít chặt quá khiến giá không phát triển được, nhưng cũng không để lỏng quá sẽ khiến giá bị gầy và ra nhiều rễ
Bước 4: Thu hoạch giá
Với cách làm này, sau khoảng 4 ngày là bạn có thể thu hoạch được giá.
Theo An Nhiên - Vietnamnet