Đừng vội cho nồi thủy tinh đi vì vẫn có cách dùng được trên bếp từ

12/08/2024 19:00

Nồi thuỷ tinh không sử dụng trực tiếp trên bếp từ nhưng nếu nhà bạn có một chiếc nồi thuỷ tinh thì có thể sử dụng thêm miếng lót bếp từ bằng Inox hay còn gọi là đĩa truyền nhiệt bếp từ để nấu ăn.

Như chúng ta đã biết, nồi thủy tinh có thiết kế sang trọng, chất liệu an toàn trong vệ sinh thực phẩm, khả năng chịu sốc nhiệt tốt nên rất được lòng các chị em nội trợ. Nhiều người muốn sử dụng nồi thủy tinh để nấu trên bếp từ cho món ăn ngon đúng điệu. Tuy nhiên, để sử dụng được nồi thủy tinh trên bếp từ cần phải áp dụng một số mẹo.

Nguyên lý

Về nguyên lý, nồi thủy tinh là một trong những loại nồi không thể dùng được trên bếp từ. Bếp từ hoạt động dựa trên nguyên lý chỉ vận hành khi dụng cụ nấu có đáy nhiễm từ. Chất liệu thủy tinh là chất liệu không nhiễm từ. Do đó, khi đặt nồi thủy tinh lên bếp từ sẽ không thể truyền nhiệt để nấu chín thực phẩm.

Mẹo dùng nồi thủy tinh trên bếp từ

Tuy không dùng nồi thủy tinh trên bếp từ trực tiếp nhưng người dùng vẫn có thể sử dụng chúng một cách gián tiếp.

Đừng vội cho nồi thủy tinh đi vì vẫn có cách dùng được trên bếp từ-1
Dùng miếng lót đặt nồi thủy tinh lên để nấu ăn.

Dùng miếng lót

Miếng lót này là 1 tấm thép không gỉ (inox 304 hoặc 430) loại nhiễm từ, có tác dụng nhận từ trường từ bếp chuyển hoá thành nhiệt truyền lên nồi để nấu chín thức ăn. Vì thế, khi nấu ăn chúng ta chỉ cần đặt đĩa chuyển nhiệt bếp từ lên trên vùng nấu cân đối, cho nồi thủy tinh lên và khởi động bếp là có thể chế biến các món ngon cho gia đình.

Miếng lót này không chỉ hỗ trợ dùng nồi thủy tinh trên bếp từ mà miếng lót này còn dùng được với nồi nhôm, gốm, sứ…

Sau khi nấu xong, chúng ta đợi khoảng 1 phút để đĩa từ nguội bớt rồi mới lấy ra và vệ sinh. Không dùng chất tẩy rửa có tính ăn mòn hoặc dụng cụ rửa sắc nhọn để tránh làm hư đĩa truyền nhiệt.

Ngoài ra, chúng ta có thể tìm những sản phẩm nồi thủy tinh có gia công thêm phần đáy nhiễm từ. Loại nồi này được các nhà sản xuất sử dụng chất liệu có chứa từ tính ở đáy nồi nên có khả năng nấu ăn trên dòng bếp từ.

Bếp điện từ kết hợp

Thay vì chọn bếp từ, chúng ta hãy chọn mua bếp điện từ. Chiếc bếp điện từ sẽ có một bên là bếp hồng ngoại, một bên là bếp từ. Những chiếc nồi chứa từ tính, chúng ta đun trên vùng từ. Còn các nồi thủy tinh, nồi nhôm, nồi đất không dẫn từ, chúng ta nấu trên vùng hồng ngoại. Có thể nói đây là một giải pháp toàn diện trong việc chuyển đổi từ bếp gas sang bếp từ hồng ngoại vừa an toàn vừa tận dụng được những dụng cụ nấu nướng cũ.

Đừng vội cho nồi thủy tinh đi vì vẫn có cách dùng được trên bếp từ-2
Dùng nồi thủy tinh có gia công thêm phần đáy nhiễm từ để nấu.

Lưu ý khi dùng đĩa truyền nhiệt trên bếp từ

- Chọn đĩa từ phù hợp với kích thước của bộ nồi: Việc lựa chọn đúng kích thước đĩa từ sẽ đảm bảo nồi được làm nóng đúng mức và thực phẩm được chế biến một cách hiệu quả. Điều này cũng giúp tránh tình trạng thất thoát nhiệt gây lãng phí.

- Chọn đĩa từ có độ ma sát tốt với đáy nồi, giúp giảm tình trạng trơn trượt khi nấu ăn, đảm bảo an toàn cho người dùng.

- Đảm bảo đáy nồi thủy tinh phẳng để tối ưu hóa diện tích tiếp xúc và duy trì khả năng truyền nhiệt. Điều này giúp tiết kiệm năng lượng và nấu nhanh hơn.

- Kiểm tra đĩa truyền nhiệt trên bếp từ xem nó có thẳng không. Đĩa vênh hoặc cong có thể làm giảm hiệu suất truyền nhiệt và làm mất đi tính an toàn.

Ưu và nhược điểm khi sử dụng nồi thủy tinh nấu bếp từ

Ưu điểm

An toàn cho sức khỏe: Nồi thủy tinh được làm từ chất liệu thủy tinh borosilicat cao cấp, không chứa BPA và các chất độc hại khác, nên đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Khả năng chịu nhiệt cao: Nồi thủy tinh có khả năng chịu nhiệt lên đến 400 – 800 độ C, nên có thể sử dụng để nấu nướng trên bếp từ, bếp gas, lò nướng và lò vi sóng.

Dễ dàng quan sát: Nắp nồi thủy tinh trong suốt giúp bạn dễ dàng quan sát quá trình nấu nướng mà không cần mở nắp nồi.

Dễ dàng vệ sinh: Nồi thủy tinh có bề mặt trơn nhẵn, không bám dính thức ăn nên rất dễ dàng vệ sinh.

Tính thẩm mỹ cao: Nồi thủy tinh có thiết kế đẹp mắt, sang trọng, giúp tô điểm thêm cho căn bếp.

Nhược điểm

Dễ vỡ: Nồi thủy tinh có khả năng chịu va đập kém, nên cần cẩn thận khi sử dụng để tránh bị vỡ.

Nấu ăn lâu hơn: Nồi thủy tinh dẫn nhiệt kém hơn so với nồi kim loại, nên thời gian nấu ăn sẽ lâu hơn.

Giá thành cao: Nồi thủy tinh có giá thành cao hơn so với nồi kim loại.

Cần sử dụng đĩa từ: Nồi thủy tinh không có khả năng nhiễm từ, nên cần sử dụng đĩa từ để nấu trên bếp từ.

Theo GĐXH

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đừng vội cho nồi thủy tinh đi vì vẫn có cách dùng được trên bếp từ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO